Nhiệm vụ ngân sách năm 2020 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu

14:31 | 29/03/2021 Print
(TBTCVN) - Nhờ quyết tâm cao ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, thực hiện tốt mục tiêu kép trong điều kiện khó khăn, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đạt kết quả tích cực. Ngân sách nhà nước thực hiện cũng khả quan hơn so với ước tính Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.

Ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN

Ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thu ngân sách tăng 158 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội

Mới đây, Chính phủ đã gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2021.

Theo báo cáo, dự toán thu NSNN năm 2020 là 1.539 nghìn tỷ đồng, báo cáo Quốc hội ước đạt 1.349,85 nghìn tỷ đồng. Thực hiện thu NSNN cả năm đạt 1.507,8 nghìn tỷ đồng, tăng 158 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, giảm 31,2 nghìn tỷ đồng (-2%) so dự toán và giảm 2,79% so với thực hiện năm 2019.

Có được kết quả này, theo Chính phủ, là do từ cuối quý III/2020, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời các chính sách hỗ trợ ứng phó với đại dịch Covid-19 đã phát huy tác dụng, kinh tế phục hồi khá, tác động tích cực đến số thu NSNN. Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm, ngành Thuế, Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung làm tốt các giải pháp thu ngân sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu việc lợi dụng chính sách để trục lợi; đẩy mạnh công tác chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…

Mặc dù vậy, do ảnh hưởng quá lớn của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đối với các lĩnh vực xuất nhập khẩu, vận tải hàng không, sản xuất ô tô, điện tử, dệt may, da giày, kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống, lưu trú,... làm giảm nguồn thu nộp NSNN. Đồng thời, trong năm, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên chỉ có 50% số khoản thu nội địa đạt và vượt dự toán, 50% còn lại không đạt dự toán.

Chi ngân sách tăng hơn 75 nghìn tỷ đồng

Về chi, dự toán tổng chi NSNN là 1.773,76 nghìn tỷ đồng, số báo cáo Quốc hội ước đạt 1.712,87 nghìn tỷ đồng. Nhờ chuyển biến tích cực trong thu ngân sách, nên tổng chi NSNN thực hiện đạt gần 1.788 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2 nghìn tỷ đồng (+0,8%) so với dự toán, tăng 75,1 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.

Trong đó, chi đầu tư phát triển thực hiện (bao gồm số được chuyển nguồn sang năm 2021) đạt 550 nghìn tỷ đồng, vượt 52,8 nghìn tỷ đồng (+10,6%) so dự toán do được bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương (NSĐP) và dự phòng ngân sách các cấp. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã tiến bộ lớn so với các năm trước.

Chi thường xuyên có dự toán là 1.056,49 nghìn tỷ đồng, báo cáo Quốc hội ước đạt 1.068,5 nghìn tỷ đồng. Số thực hiện đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán đạt 1.045,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm các nhiệm vụ chi được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương (NSTW), dự phòng, dự trữ và các nguồn lực khác của NSĐP cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội.

Công tác điều hành chi NSNN năm 2020 được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ; tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia

Với kết quả thu, chi NSNN năm 2020 nêu trên, bội chi NSTW năm 2020 là 245,65 nghìn tỷ đồng, tăng 27,85 nghìn tỷ đồng so dự toán. Đối với NSĐP, trong tổ chức thực hiện nhờ sắp xếp lại nhiệm vụ chi, nhiều địa phương đã dành được nguồn đảm bảo cho các dự án, chương trình sử dụng vốn vay (không phải vay để đầu tư). Bên cạnh đó, tiến độ triển khai một số dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA ở các địa phương còn chậm, nên về tổng thể, bội chi NSĐP thực hiện năm 2020 là 5,7 nghìn tỷ đồng, giảm 11,3 nghìn tỷ đồng so dự toán. Tổng hợp chung, bội chi NSNN năm 2020 là 251,35 nghìn tỷ đồng, tăng 16,55 nghìn tỷ đồng so dự toán, bằng 3,99% GDP thực hiện.

Đến hết ngày 31/12/2020, dư nợ công bằng khoảng 55,3% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 49,1% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,3% GDP, thấp hơn trần trong Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 (tương ứng là 65% GDP, 54% GDP và 50% GDP).

Để có được kết quả này, Chính phủ đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước, chủ yếu là huy động vốn trung và dài hạn và không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB....), góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ năm 2020 đã dài gấp trên 3,5 lần năm 2011. Kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu chính phủ thời điểm cuối năm 2020 lên 8,42 năm, dài gấp gần 5 lần so với thời điểm cuối năm 2011 (1,84 năm); lãi suất huy động bình quân cũng giảm mạnh, từ mức 12,01% bình quân năm 2011, xuống còn khoảng 2,86% năm 2020.

Đánh giá chung, Chính phủ cho biết trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, có sự phối kết hợp và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, điều hành quyết liệt thu, chi ngân sách, triệt để tiết kiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách, nhiệm vụ NSNN năm 2020 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hoàn thành các mục tiêu của cả giai đoạn


Tính chung cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%). Tổng chi NSNN ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28,8% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 29,5% GDP). Bội chi NSNN bình quân 5 năm khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam