Nâng bậc triển vọng tín nhiệm quốc gia: “Chất xúc tác” gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài

10:09 | 24/03/2021 Print
(TBTCVN) - Việc Moody’s nâng liền 2 bậc triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được xem như một “chất xúc tác” kỳ vọng làm gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sau đại dịch…

Việc nâng bậc ấn tượng về triển vọng tín nhiệm của Việt Nam

Việc nâng bậc ấn tượng về triển vọng tín nhiệm của Việt Nam tác động tích cực đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ảnh: TL

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN.

PV: Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa thông báo giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 và điều chỉnh tăng triển vọng 2 bậc lên “Tích cực”. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế nước ta, thưa ông?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Trước hết có thể thấy, hệ số tín nhiệm, triển vọng tín nhiệm (TVTN) là vấn đề uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Theo đó, khi TVTN tăng lên cũng có nghĩa uy tín của Việt Nam được nâng lên. Thêm vào đó, điều này cũng sẽ tạo nên một số hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế như làm giảm chi phí vay nợ nước ngoài cho quốc gia, cũng như làm giảm chi phí vốn nói chung cho thị trường vốn ở Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi họ có thể tiếp cận với thị trường vốn trong nước và ngoài nước với chi phí thấp hơn.

Ông Đinh Trọng Thịnh

Ông Đinh Trọng Thịnh

Bên cạnh đó, việc nâng bậc ấn tượng về TVTN của Việt Nam cũng có tác động tích cực đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Cụ thể, mức xếp hạng tín nhiệm và TVTN quốc gia được các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài xem xét như một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó. Do vậy, khi TVTN quốc gia tăng lên chứng tỏ quốc gia đó đang có những triển vọng tích cực về mức độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, sẽ tác động tích cực đến tâm lý và quyết định của NĐT nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, từ đó, cơ hội, triển vọng thu hút FDI cũng tăng lên. Điều này càng có ý nghĩa hơn với Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang phải cạnh tranh mạnh mẽ, quyết liệt với các nước trên thế giới trong “cuộc đua” thu hút FDI để gia tăng nguồn vốn phục vụ cho việc khôi phục và phát triển đất nước sau đại dịch Covid-19…

PV: Một trong những cơ sở để Moody’s nâng hạng TVTN quốc gia cho Việt Nam là việc ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế của Việt Nam đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách, quản lý nợ ngày một tốt hơn. Ông đánh giá như thế nào về đóng góp của ngành Tài chính đối với việc Việt Nam được nâng bậc TVTN?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Có rất nhiều cơ sở để Moody’s tăng bậc TVTN cho Việt Nam, trong đó có đóng góp rất quan trọng từ những thành quả vững chắc trong cải thiện vị thế tài khóa và quản lý nợ công của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Cụ thể, trong những năm gần đây, công tác điều hành chính sách tài chính ngày càng hiệu quả, việc cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Thu ngân sách khả quan, từng bước nâng cao hiệu quả chi tiêu, qua đó giảm bội chi ngân sách nhà nước. Vị thế tài khóa ngày càng được củng cố ổn định và vững chắc. Minh chứng, ngay trong bối cảnh khó khăn chưa từng có tiền lệ bởi đại dịch Covid-19, năm 2020, công tác thu ngân sách vẫn được đảm bảo, mức bội chi ngân sách vẫn được kiểm soát tốt trong ngưỡng Quốc hội giao…

Cùng với đó, việc quản lý nợ công cũng được tăng cường chặt chẽ và có chuyển biến tích cực. Cụ thể, nhìn trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, nợ công của Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức 63,7% GDP (năm 2016) xuống khoảng 55,8% GDP (năm 2020). Mặt khác, cơ cấu nợ của Việt Nam cũng có chuyển biến tích cực, khi tỷ trọng nợ nước ngoài giảm dần, kỳ hạn trái phiếu chính phủ cũng được kéo dài làm giảm thiểu các rủi ro đối với danh mục nợ chính phủ, nợ công và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… Tôi đánh giá, đây là những nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính trong những năm qua, qua đó đã đóng góp rất quan trọng vào việc tăng bậc TVTN của Việt Nam.

PV: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể duy trì và nâng cao hơn nữa mức xếp hạng tín nhiệm, TVTN quốc gia trong thời gian tới?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Việc giữ vững cũng như phấn đấu để được nâng hạng tín nhiệm và TVTN quốc gia là không hề dễ dàng, do đó cần sự chung sức của cả Chính phủ và các bộ, ngành chức năng liên quan.

Để tăng mức xếp hạng tín nhiệm, TVTN quốc gia, theo tôi, có một số điều rất quan trọng. Trước hết, một điểm trở ngại lớn để đưa Việt Nam lên những bậc xếp hạng cao hơn là Việt Nam hiện vẫn được đánh giá là một nền kinh tế phi thị trường. Vì vậy, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ về thể chế để sớm bước vào nhóm nước có nền kinh tế thị trường. Muốn vậy, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh là một yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm chấm điểm tín nhiệm. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn nữa, để Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, thân thiện, minh bạch, an toàn với các NĐT trong và ngoài nước.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục nỗ lực để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng đến việc nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu kể cả ngân sách nhà nước cũng như khối các tổ chức tín dụng...

PV: Xin cảm ơn ông!

Thể chế được tăng cường rõ rệt

Moody’s nâng hạng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam do sức mạnh thể chế đã được tăng cường rõ rệt trong công tác quản lý ngân sách, quản lý nợ. Moody’s cũng nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn của Việt Nam là rất hứa hẹn với việc cải thiện vị thế tài khóa và nợ.

Diệu Thiện (thực hiện)

Diệu Thiện (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam