Hải quan tiếp tục cải cách tạo thuận lợi thương mại giảm chi phí cho doanh nghiệp

16:46 | 22/03/2021 Print
Theo ông Đàm Mạnh Hiếu - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan hải quan không ngừng nỗ lực thực hiện cải cách, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hải quan

Cán bộ hải quan hướng dẫn DN hoàn thiện thủ tục nhập khẩu. Ảnh: Hải Anh

Cải cách hải quan mang lại lợi ích cho DN

Thời gian qua, cơ quan hải quan đã nỗ lực trong việc đẩy mạnh hoạt động giao dịch thương mại qua biên giới, chủ yếu tập trung vào công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan và triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics theo Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Trên thực tế, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) là ưu tiên của Chính phủ. Trên các bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín, Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận: Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam theo xếp hạng năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới tăng 3,5 điểm và tăng 10 bậc; kết quả cải thiện Môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2020 tăng 1,2 điểm…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, cơ quan hải quan đã làm rất tốt việc cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa, Việt Nam có khoảng 12 triệu hồ sơ xuất nhập khẩu, nhưng cơ quan hải quan đã cắt giảm từ 62 giờ xuống 56 giờ với hồ sơ nhập khẩu, từ 58 giờ xuống 55 giờ với hồ sơ xuất khẩu.

Theo kết quả tại báo cáo Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2020 (APCI 2020) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới, trong đó có thủ tục hải quan, trung bình mỗi DN phải bỏ ra khoảng 7,3 giờ, chi phí trực tiếp là xấp xỉ 3 triệu đồng.

Tính bình quân thời gian của tất cả các DN tự thực hiện TTHC về hải quan và thủ tục liên quan đến logistics tham gia khảo sát thì thời gian DN dành để tìm hiểu thông tin là 1,3 giờ/TTHC.

Về thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ của TTHC hải quan, các DN tự thực hiện TTHC ghi nhận mức 2,4 giờ (thấp hơn mức thời gian trung bình dùng cho chuẩn bị hồ sơ của TTHC khác). Theo chia sẻ từ các DN đã thực hiện, thời gian thực tế làm việc với cán bộ hải quan chỉ khoảng từ 15-30 phút, còn lại chủ yếu là thời gian đi lại, chờ đợi và làm thủ tục với các bên dịch vụ logistics để lấy hàng.

Với thực tế nêu trên, theo ông Đàm Mạnh Hiếu để tạo thuận lợi thương mại cần có sự chung tay của các bộ, ngành liên quan tham gia vào quá trình giải quyết TTHC, trong đó thủ tục hải quan chỉ là một khâu quan trọng.

Tích cực cụ thể hóa Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng ghi nhận, cơ quan hải quan cũng đã thực hiện các thủ tục hải quan điện tử, nên DN không phải mang trực tiếp hồ sơ đến hải quan, giảm tiếp xúc với công chức hải quan sẽ cắt giảm chi phí không chính thức. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi thương mại qua biên giới, cần cải cách đơn giản thủ tục KTCN tại cửa khẩu.

Về vấn đề này, ông Đàm Mạnh Hiếu cho hay, những năm qua, cơ quan hải quan đã không ngừng nỗ lực thực hiện cải cách, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN. Hiện nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...).

Lợi ích của việc này là việc cắt giảm đầu mối DN phải thực hiện thủ tục hành chính so với trước đây rất nhiều. Theo đó, cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu; quyết định phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm); thực hiện kiểm tra hồ sơ.

Theo khảo sát APCI 2020, trung bình mỗi DN phải bỏ ra 12,2 giờ và gần 2 triệu đồng chi phí trực tiếp để thực hiện một thủ tục KTCN.

Còn theo Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID đánh giá tác động của đề án KTCN một cách độc lập, khách quan, phần nào thấy được hiệu quả mang lại cho cộng đồng DN và cả nền kinh tế.

Tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Căn cứ tỷ lệ KTCN năm 2019 do Tổng cục Hải quan cung cấp, ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm./.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam