Kho bạc Nhà nước Bình Dương: Hoàn thành lộ trình dịch vụ công trực tuyến

09:43 | 22/03/2021 Print
(TBTCVN) - Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 100% đơn vị tham gia giao dịch thanh toán qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống Kho bạc Nhà nước Bình Dương tiếp nhận,

Giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống Kho bạc Nhà nước Bình Dương tiếp nhận, xử lý gần 1.000 hồ sơ/1 ngày. Ảnh: Gia Cư

Với thành quả này, Kho bạc Nhà nước Bình Dương được đánh giá là một trong số ít đơn vị kho bạc nhà nước trên cả nước hoàn thành trước thời hạn về mục tiêu triển khai giao dịch thanh toán qua dịch vụ này.

Về đích trước lộ trình

Theo mục tiêu của Kho bạc Nhà nước (KBNN), đến hết ngày 31/12/2020, hệ thống KBNN hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4. Thực hiện mục tiêu này, đến hết quý III/2020, KBNN Bình Dương đã là một trong số các đơn vị KBNN địa phương hoàn thành mục tiêu 100% đơn vị tham gia sử dụng DVCTT, 100% chứng từ giao dịch thanh toán qua DVCTT.

Theo ông Vũ Khắc Anh Việt, Chánh Văn phòng KBNN Bình Dương, kế hoạch triển khai DVCTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương được ban lãnh đạo đơn vị ấp ủ, thực hiện quyết liệt trong nhiều năm, cao điểm nhất là giai đoạn 2016 - 2020. Theo lộ trình đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành kho bạc điện tử; trong đó, DVCTT KBNN tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, đóng vai trò quan trọng trong nền hành chính số và là nền móng của kho bạc số trong những năm tiếp theo. KBNN Bình Dương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình kế hoạch công tác hàng năm và đã tích cực triển khai DVCTT từ tỉnh đến cấp huyện. Yêu cầu bắt buộc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thúc đẩy việc tham gia và gửi hồ sơ thanh toán vốn đầu tư qua DVCTT của KBNN.

Cùng với việc đề xuất tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tích cực tham gia DVCTT, KBNN Bình Dương tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai hàng chục lớp tập huấn hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký, vận hành giao dịch nộp hồ sơ, lập chứng từ thanh toán qua hệ thống DVCTT thay thế giao dịch thủ công (bằng hồ sơ, chứng từ giấy). “Bên cạnh đó, đơn vị phát động thực hiện thông qua phong trào thi đua, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, của mỗi cán bộ công chức, trong thực hiện có hiệu quả nội dung này vào từng lĩnh vực cụ thể”. - ông Việt cho biết thêm.

Theo bà Đỗ Thị Hiền, Trưởng phòng Kế toán Nhà nước KBNN Bình Dương, chương trình ứng dụng liên tục được nâng cấp cập nhật, bổ sung, khắc phục các lỗi và khiếm khuyết, vận hành nhanh đáp ứng được các yêu cầu đã tạo sức lan tỏa đến các đơn vị sử dụng ngân sách bởi hiệu quả vượt trội, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, thuận tiện trong việc giao nhận chứng từ, đảm bảo an toàn, bảo mật, công khai đầy đủ thông tin về giao dịch với KBNN. Trung bình giao dịch qua DVCTT, hệ thống KBNN Bình Dương tiếp nhận, xử lý gần 1.000 hồ sơ/1 ngày.

Phát huy hiệu quả tối đa

Bà Đỗ Thị Hiền cho biết, để phát huy những thành quả đạt được trong triển khai DVCTT thời gian qua, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, KBNN Bình Dương tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về giao dịch điện tử, năng lực tác nghiệp thành thục trên DVCTT cho đội ngũ công chức. Từng công chức không ngừng nghiên cứu văn bản, phối hợp với đơn vị được phân công để kịp thời đôn đốc và hỗ trợ đơn vị trong quá trình xử lý nghiệp vụ. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về vai trò và lợi ích tới các đơn vị giao dịch khi tham gia DVCTT.

Theo ông Vũ Khắc Anh Việt, thời gian tới để hệ thống DVC hoạt động hiệu quả mang lại nhiều tiện ích cho hoạt động nghiệp vụ kho bạc cũng như đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị tiếp tục duy trì, phát huy và khuyến khích nhiều cách làm mới mang tính sáng tạo. Theo đó, bên cạnh tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về giao dịch điện tử, năng lực vận hành tác nghiệp trên chương trình DVCTT cho công chức, đơn vị sẽ thường xuyên cập nhật, nâng cấp, hoàn thiện các chương trình ứng dụng đảm bảo duy trì hoạt động bình thường, đầy đủ các tính năng nhằm giảm thời gian, nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời, tiếp tục mở rộng triển khai một số mô hình mới trong thực hiện các DVCTT trên Cổng dịch vụ công Quốc gia như: dịch vụ công tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN, đặc biệt là việc ứng dụng song song cùng với cải cách thủ tục hành chính, thủ tục tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN.

“Ngoài ra, KBNN Bình Dương đang hướng tới thực hiện dịch vụ công hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào ngân sách nhà nước, ứng với thủ tục hành chính, thủ tục hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào ngân sách nhà nước” – ông Việt cho biết thêm.

Mở rộng thêm dịch vụ công tại kho bạc

Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bình Dương, một trong những nhiệm vụ cần sớm áp dụng tại đơn vị là mở rộng dịch vụ công đăng ký sử dụng tài khoản, bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký của đơn vị giao dịch tại KBNN, ứng với thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản, bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký của đơn vị giao dịch tại KBNN.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam