Điều chỉnh chính sách phù hợp với trạng thái “bình thường mới”

11:22 | 19/03/2021 Print
(TBTCVN) - Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã hành động quyết liệt và kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn cao điểm của đại dịch dù ngân sách trung ương eo hẹp.

9

Nguồn: Tổng cục Thống kê Biểu đồ: T.L

Tuy vậy, các chính sách ban hành để đáp ứng với “trạng thái khẩn cấp” đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới”.

Chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp được đánh giá cao

Sáng 18/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hiệp hội doanh nghiệp (DN) tỉnh Vĩnh Phúc với sự tài trợ và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn về chính sách để DN vượt qua Covid-19.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, năm 2020 ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng DN để vượt lên hoàn cảnh khó khăn và qua đó chúng ta nhận thấy khả năng chống chịu kiên cường đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng DN Việt.

Có được những kết quả đó, theo Phó Chủ tịch VCCI, ngoài sự chủ động tích cực của cộng đồng DN, có vai trò cổ vũ và yểm trợ của Nhà nước. Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn.

Trong đó, các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid được DN đánh giá cao nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế GTGT nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

“Cùng với kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19 dù ngân sách còn eo hẹp. Tuy vậy, các chính sách ban hành để đáp ứng với “trạng thái khẩn cấp” đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh để phù hợp với “trạng thái bình thường mới”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Thị Hồng Thuỷ, nhiều chính sách của Chính phủ được ban hành kịp thời đã mang lại hiệu quả tích cực cho các DN. Song, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập khi tiếp cận chính sách.

Cụ thể như đối với lĩnh vực hỗ trợ người lao động, phần lớn DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm với DN như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN… Các điều kiện kèm theo đó quá khó và chặt chẽ, khiến rất ít DN có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. “Như vậy, có thể nhận thấy, chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống”, bà Phạm Thị Hồng Thuỷ nhận xét.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng, song sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của DN. DN vẫn phải chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận. Hoạt động xuất nhập cảnh và thương mại vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của DN cho chuyên gia, người lao động và các hoạt động giao thương khác.

Cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách

Từ thực tế này, Hiệp hội DN tỉnh đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN trong đại dịch. Đối với lĩnh vực lao động, đề nghị sớm tham mưu, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn bộ Luật Lao động năm 2019 để triển khai đến DN. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lao động cấp tỉnh. Đồng thời, đề nghị Tổng liên đoàn miễn 2% kinh phí công đoàn cho DN trong thời gian dịch bệnh.

Trong lĩnh vực ngân hàng và tín dụng, ngoài các biện pháp hỗ trợ từ ngân hàng, Hiệp hội đề nghị tiếp tục xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2% cho tất cả các gói cho vay, giảm phí đối với khách hàng là người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, điều kiện, thủ tục cho vay cần đơn giản hơn, tài sản thế chấp linh hoạt hơn, các điều kiện bảo lãnh tín dụng cần nới lỏng hơn nữa vì hiện nay bảo lãnh tín dụng chặt chẽ hơn điều kiện vay ngân hàng.

Đối với chính sách thuế, kiến nghị của DN là đề xuất giảm thuế GTGT, thuế thu nhập DN, giảm tiền thuê đất để DN để tái đầu tư sau đại dịch. Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam tham gia TPP và FTA mới.

Trước ảnh hưởng lớn và dai dẳng này từ dịch Covid-19, khuyến nghị chính sách được đại diện VCCI nêu trước hết là cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách để tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Đặc biệt, cần nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các DN duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động.

87,2% doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh


Theo một kết quả khảo sát của VCCI do ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI trình bày, qua khảo sát 10.197 doanh nghiệp (DN), có tới 87,2% DN chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” do dịch Covid-19. Chỉ 11% DN cho biết không bị ảnh hưởng và gần 2% DN cho biết ảnh hưởng của dịch với DN họ ở mức “phần lớn tích cực” hoặc “hoàn toàn tích cực” (0,5%). Trong đó, tác động của dịch Covid-19 với DN ở một số ngành là đặc biệt lớn.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam