Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020: Khắc phục cơ chế xin - cho trong việc phân bổ vốn

19:38 | 16/03/2021 Print
(TBTCVN) - Với mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 547/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã có hiệu quả rõ rệt

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã có hiệu quả rõ rệt qua sự phát triển của từng địa phương. Ảnh minh họa: H.T

Đến nay, kế hoạch này đã hoàn thành “sứ mệnh” với nhiều kết quả nổi bật.

Nguồn vốn phân bổ phù hợp với từng địa phương

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, qua gần 5 năm thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, việc lập kế hoạch đầu tư công được chuyển từ lập kế hoạch hàng năm sang kết hợp giữa xây dựng kế hoạch trung hạn với kế hoạch hàng năm. Do đó, đã hạn chế được cơ chế xin - cho trong việc bố trí vốn cho các dự án.

Đồng thời, việc giao kế hoạch vốn trung hạn đã giúp các dự án được đảm bảo bố trí đủ vốn để hoàn thành theo đúng quyết định phê duyệt. Điều này đã cơ bản khắc phục tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản vốn đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Việc bố trí các nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cũng được đánh giá là phù hợp với định hướng quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tại Ninh Thuận, nguồn vốn đầu tư trung hạn được địa phương tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu là thủy lợi, y tế, giáo dục, giao thông, nước sinh hoạt, xử lý nước thải, môi trường, chỉnh trang đô thị, an ninh, quốc phòng…

Theo đó, để bảo đảm nguồn lực tài chính, bên cạnh việc khai thác và phát huy nội lực, tỉnh Ninh Thuận đã tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ từ ngân sách trung ương để đầu tư nhiều dự án quy mô lớn. Đến nay, tại Ninh Thuận, nhiều công trình trọng điểm đang được triển khai thi công, một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng vừa mang lại diện mạo mới cho tỉnh vừa góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại Thừa Thiên - Huế, với kế hoạch vốn trung hạn được Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2016 - 2020 là 7.570 tỷ đồng, ngoài việc ưu tiên vốn cho các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…, tỉnh đã tập trung vào kết cấu lại cơ sở hạ tầng. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư các dự án hạ tầng phát triển kinh tế, phát triển đô thị; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn xây dựng các tuyến giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, kết nối vùng, kết nối điểm du lịch, tạo động lực phát triển và có tính lan tỏa…

Giải ngân nhanh yếu tố thành công của các dự án

Việc quản lý, điều hành nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 đã được các địa phương thực hiện rất nghiêm túc từ việc lập, phê duyệt kế hoạch và giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và vốn hàng năm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Việc bố trí vốn đã tuân theo thứ tự ưu tiên quy định. Danh mục, hạn mức, số vốn được giao đảm bảo thống nhất với số liệu của trung ương.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá từ các địa phương, ngoài việc phân bổ nguồn lực minh bạch, thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công thì một yếu tố quan trọng làm nên thành công của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chính là việc giải ngân nhanh. Bằng sự nỗ lực và phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan trên địa bàn, các đơn vị KBNN đã thúc đẩy nguồn vốn được giải ngân nhanh, giúp các dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Hoàng Đệ - Giám đốc KBNN Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã tích cực phối hợp với các ngành tại địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cơ bản đảm bảo theo các quy định hiện hành về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Đồng thời, KBNN Thừa Thiên - Huế cũng chủ động đưa ra các giải pháp, cùng với các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo những văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó, nguồn vốn trung hạn tại địa phương hàng năm luôn được giải ngân từ 98 - 100% số vốn được giao.

Tại KBNN Ninh Thuận, bà Nguyễn Thị Bắc Hà, Trưởng phòng Kiểm soát chi cho biết, địa phương luôn bám sát chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài chính, KBNN. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hàng tháng, hàng quý sát với yêu cầu thực tiễn từng giai đoạn cụ thể. Đáng chú ý, lãnh đạo tỉnh đã ban hành nhiều “mệnh lệnh” nhằm gắn trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết tiến độ và kết quả giải ngân theo kế hoạch đặt ra.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành và chứng minh hiệu quả rõ rệt qua sự phát triển của từng địa phương. Đây chính là nền tảng để việc phân bổ nguồn vốn cho các giai đoạn tới đây sẽ càng hiệu quả hơn, góp phần đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Khắc phục các hạn chế trong kiểm soát chi


Theo các chuyên gia kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần tiếp tục điều chỉnh để tháo gỡ một số vướng mắc trong công tác kiểm soát chi tại hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN).

Đơn cử như hiện nay, việc theo dõi vốn đầu tư công trung hạn tại KBNN các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện thủ công vì hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) chưa được sửa đổi, nâng cấp để có thể cập nhật và kiểm soát kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, cũng như kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn điều chỉnh của từng dự án.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam