Tạo động lực, niềm tin cho kinh tế tư nhân phát triển

10:40 | 05/03/2021 Print
(TBTCVN) - Đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước trong kinh tế theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế…

8

Đến nay doanh nghiệp Việt vẫn chiếm vị thế khiêm tốn trong chuỗi hoạt động sản xuất thương mại toàn cầu.

Đây là mục tiêu của Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện, đệ trình trước ngày 20/3.

Thay đổi tư duy quản lý nhà nước

Được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo từ năm 2019, đề án là một trong các nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kể từ khi triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW, đến nay, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh cả về chất và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp (DN) tư nhân, nhất là DN quy mô lớn đã có những bước tiến vượt bậc trong việc khẳng định vai trò, vị thế của mình trong nền kinh tế. Nhiều DN tư nhân có hiệu quả hoạt động ngang bằng, thậm chí một số chỉ tiêu hiệu quả sinh lời còn cao hơn so với các DN nhà nước, DN FDI và đang dần chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Tỷ trọng doanh thu của các DN tư nhân không ngừng tăng lên, từ 27% năm 2016 lên 37,51% năm 2019, đứng trên cả khu vực DN FDI.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả to lớn, phần lớn các DN tư nhân còn có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, làm hạn chế khả năng của các DN trong đổi mới kỹ thuật, công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Nếu như tính cả gần 4 triệu hộ kinh doanh, bức tranh về quy mô DN trong nước của Việt Nam còn mất cân đối hơn vì hều hết các hộ kinh doanh đều có quy mô siêu nhỏ và nhỏ.

Với vị thế này, đến nay DN Việt vẫn chiếm vị thế khiêm tốn trong chuỗi hoạt động sản xuất thương mại toàn cầu, do đó khó có thể hưởng lợi tối ưu từ các hiệp định thương mại quốc tế đã ký kết.

Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta cũng đã có những bước tiến mới, song còn không ít rào cản. Chẳng hạn, năm 2016, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, trong đó quy định có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Với 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại có tới 6.191 điều kiện kinh doanh. Lợi ích nhóm, tư duy “nghiện quản lý” và sức ì lớn là những nguyên nhân chính được coi là rào cản làm hạn chế những nỗ lực cải cách.

Chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo

Với thực tế này, trình bày về dự thảo đề án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đề án tập trung vào nghiên cứu chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế có tính chất tổng hợp, liên ngành thuộc nhóm cơ quan hành pháp, bao gồm các chức năng: định hướng, quy hoạch và điều tiết phát triển kinh tế; tạo lập khung khổ pháp luật, môi trường thể chế cho phát triển kinh tế; can thiệp gián tiếp vào đầu tư, sản xuất của DN và phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế; thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.

Mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển.

Cho ý kiến chỉ đạo về đề án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cơ quan soạn thảo lưu ý phạm vi, nội dung của đề án cần bám sát yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW và xác định lại tên của đề án là “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.”

“Đề án phải bảo đảm mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm các quyền về tài sản, quyền kinh doanh hợp pháp, quyền con người, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực, niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn” - Thủ tướng yêu cầu và lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện, trình đề án này lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2021.

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều quan điểm, định hướng mới trong quản lý nhà nước về kinh tế đã được đề cập. Trong đó, lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội Đảng nhắc đến yêu cầu phát triển lực lượng DN Việt Nam lớn mạnh, bên cạnh yêu cầu về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường gắn kết giữa khu vực DN trong nước và DN FDI. Điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới, đột phá vào những nút thắt đang kìm hãm sự phát triển, qua đó giải phóng sức sản xuất và nguồn lực xã hội để thúc đẩy kinh tế tư nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước sau Đại hội XIII.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam