Hải quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực thi EVFTA

10:12 | 05/03/2021 Print
(TBTCVN) - Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố chủ động tập huấn triển khai Thông tư 07/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong EVFTA, có hiệu lực từ 1/3/2021.

Cán bộ hải quan hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục nhập khẩu.

Cán bộ hải quan hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục nhập khẩu. Ảnh: Hải Anh

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được hưởng quyền lợi ưu đãi thuế trong quá trình thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố chủ động tập huấn triển khai Thông tư 07/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong EVFTA, có hiệu lực từ 1/3/2021.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế

Theo bà Hoàng Thị Thủy - Trưởng phòng Giám sát, quản lý xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), Thông tư 07/2021/TT-BTC (Thông tư 07) được Bộ Tài chính ban hành kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp (DN) trong việc thực thi EVFTA, trong đó quy định rõ ràng thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu để cơ quan hải quan và DN nắm bắt thực hiện.

Cụ thể, Thông tư 07 hướng dẫn DN nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Để tháo gỡ vướng mắc cho DN, trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA (quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2021/TT-BTC), DN phải khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu và được khai bổ sung, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn không quá 2 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ sau thời hạn hiệu lực quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3, vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu hoặc các trường hợp xuất trình muộn khác, Bộ Tài chính xem xét, quyết định việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA đối với các trường hợp cụ thể.

Hơn nữa theo đại diện Cục Giám sát quản lý hải quan, Điều 4 Thông tư 07 có quy định mở, rất quan trọng mà DN cần chú ý để áp dụng đảm bảo quyền lợi. Đó là, đối với các tờ khai hải quan của mặt hàng nhập khẩu đăng ký từ ngày 1/8/2020 đến trước ngày 1/3/2021 (Thông tư 07 có hiệu lực thi hành), nếu đáp ứng đủ các quy định để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA, Nghị định 111/2020/NĐ-CP quy định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 - 2022 và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn mức thuế quy định tại Hiệp định EVFTA và Nghị định 111/2020/NĐ-CP, thì người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ cho cơ quan hải quan để được xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo chống gian lận xuất xứ

Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho DN trong việc được hưởng ưu đãi thuế từ các FTA, trong năm 2021, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện các biện pháp chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống thất thu thuế xuất nhập khẩu.

Theo đó, việc kiểm soát chứng nhận xuất xứ được tăng cường đối với hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Cụ thể, Tổng cục Hải quan đặt ra trong kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp năm 2021, tập trung vào 15 nhóm hàng trọng điểm, trong đó có: đồ gỗ, hàng điện tử, hàng thiết bị thể thao, xe đạp, gạch men, pin năng lượng mặt trời…

Với tinh thần kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các nội dung hướng dẫn (tại công văn số 5189/TCHQ-GSQL, Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ) về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và kế hoạch thực hiện trong năm 2021.

Đối tượng trọng điểm là thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc; DN có tốc độ kim ngạch tăng trưởng cao, đột biến (tốc độ tăng trưởng đột biến), DN thành lập từ 2018 trở lại đây, có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến, DN xuất khẩu hàng công nghệ cao tại Việt Nam chưa sản xuất được.

Trước khi Thông tư 07 được Bộ Tài chính ban hành, cơ quan hải quan cũng đã có hướng dẫn kịp thời tháo gỡ vướng mắc tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố liên quan đến hướng dẫn nộp bổ sung xuất xứ hàng hóa để áp dụng ưu đãi thuế theo EVFTA để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt cho các tờ khai đăng ký trước thời điểm hiệu lực của Nghị định 111/2020/NĐ-CP (ngày 18/9/2020), đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Song Linh

Song Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam