Giá rau xanh, cá tăng nhẹ ngày mùng 3 Tết

13:51 | 14/02/2021 Print
Theo Bộ Tài chính, ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu, nguồn cung và giá cả các mặt hàng nhìn chung ổn định. Giá rau xanh, cá, một số mặt hàng thờ cúng tăng nhẹ, mức tăng phù hợp với quy luật cung cầu thị trường, không có đột biến.

rau xanh

Do nhu cầu, giá rau xanh tăng nhẹ những ngày đầu năm. Ảnh: T.T.

Không tăng giá đột biến các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu

Ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu, trên cả nước, một số siêu thị mở cửa trở lại như Big C, Saigon Co.opMart, Aeon, MM Mega Market... Bên cạnh đó tiểu thương tại một số chợ lớn cũng bắt đầu bán hàng trở lại, chủ yếu tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống.

Mùng 3 Tết năm nay trùng với ngày lễ Valentine, nên nhiều cửa hàng hoa tươi đã mở bán, các sạp bán hoa di động cũng nhiều hơn so với ngày hôm trước. Một số ít cửa hàng tiện ích đã mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân mua sắm đi lễ chùa, chúc Tết như rượu bia, bánh kẹo...

Giá các mặt hàng này nhìn chung ổn định so với ngày cuối năm và lượng cung đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có sự tăng giá đột biến ở các hàng hóa dịch vụ thiết yếu. Tại một số chợ dân sinh, số lượng sạp bán rau xanh nhiều hơn do nhu cầu tiêu thụ rau xanh nhiều hơn so với thịt, thực phẩm tươi sống.

Giá thịt lợn hơi ngày mùng 3 Tết giữ ổn định, giao dịch dưới ngưỡng 80.000 đồng/kg ở nhiều nơi. Tại thị trường miền Bắc, giá heo hơi dao động quanh mức 74.000 - 78.000 đồng/kg, tại miền Trung và Tây Nguyên đang duy trì dưới ngưỡng 80.000 đồng/kg. Miền Nam dao động quanh ngưỡng 77.000 - 80.000 đồng/kg.

Theo Bộ Tài chính, nhìn chung, nguồn cung và giá cả các mặt hàng ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Giá cả một số hàng hoá thiết yếu có tăng nhẹ tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, cá, một số mặt hàng thờ cúng phù hợp với quy luật cung cầu thị trường song không có đột biến.

Tại TP. Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ chỉ bằng 34%-37% so ngày thường, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ và trái cây. Giá cả các mặt hàng đa số giảm về mức giá ngày thường, sức mua bán tăng nhẹ so với ngày trước nhưng vẫn còn tương đối chậm, riêng một số mặt hàng giá tăng do lượng hàng về ít nhưng nhu cầu tăng.

Qua khảo sát của cán bộ thị trường Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, tại TP. Hà Nội, một số chợ đã hoạt động trở lại, nguồn cung hàng hóa khá phong phú như rau, thịt lợn, thủy sản nhưng hàng khô bánh kẹo, gạo chưa mở cửa. Giá rau xanh cơ bản ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ so với trước Tết. Một số cửa hàng thịt (thịt lợn, bò, gà) tăng khoảng 10% so với ngày 30 tết, lượng hàng dồi dào.

Theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, giá cả một số mặt hàng trong ngày 3 Tết nguồn cung đảm bảo, giá cả không có nhiều biến động. Về giá cước vận tải, hầu hết các bến xe (Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Giáp Bát) vắng vẻ do số lượng hành khách hầu như không có, nên giá cước vận tải tuyến cố định cũng như các hãng taxi không có sự thay đổi.

Tại TP. Đà Nẵng, thị trường mùng 3 Tết bắt đầu hoạt động lại, người dân đã đi mua sắm hàng hóa để cúng tổ tiên và một số hộ kinh doanh cúng mở cửa bán hàng đầu năm. Giá cả một số mặt hàng cơ bản ổn định. Các mặt hàng trái cây, hoa cúng bắt đầu bán trong ngày hôm nay, mức giá giảm so với ngày 30 Tết do nhu cầu mua của người dân chưa nhiều. Giá dịch vụ trông giữ xe máy ở một số điểm do Ban Quản lý chợ quản lý thu theo đúng giá quy định của UBND, tuy nhiên tại một số điểm giữ xe tư nhân có nơi giá vé lên đến 10.000 đồng/chiếc.

TP Cần Thơ, thị trường biến động hợp lý theo sức mua của người tiêu dùng so với ngày mùng 2 Tết, không có hiện tượng tăng giá đột biến, đầu cơ, găm hàng. Lượng khách tại bến xe trung tâm giảm mạnh, so với năm trước, đơn vị vận tải không thực hiện tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều như đã kê khai. Mức giá cước vận tải vẫn giữ từ 140.000 đồng/hành khách/lượt đến 175.000 đồng/hành khách/lượt tùy tuyến.

Tại Hà Nam, qua khảo sát của cán bộ thị trường Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, tại chợ Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đa số cửa hàng, quầy hàng đã mở cửa bán hàng nhưng lượng khách hàng đi mua sắm ngày này không nhiều. Nhu cầu mua sắm chủ yếu là thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn, cá trắm; rau củ quả; ngoài giá một số chủng loại rau, củ, quả tăng khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg tùy theo từng chủng loại, còn lại các mặt hàng khác mức giá cơ bản ổn định so với ngày trước Tết.

Nhu cầu mua sắm chưa lớn, giá cả sẽ không biến động

Ngày mai (15/02/2021) là ngày mùng 4 Tết, nhiều sạp hàng tại chợ dân sinh hoặc một vài cửa hàng sẽ tiếp tục mở hàng bán; đồng thời, một số siêu thị mở cửa trở lại.

Nhu cầu mua sắm sáng mồng 4 Tết của người dân vẫn sẽ chưa nhiều, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rau, củ, hoa quả, một số loại thực phẩm tươi sống, các mặt hàng phục vụ cúng lễ, hoa tươi (đặc biệt là hoa hồng).

Theo dự báo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giá cả các loại hàng hóa sẽ tiếp tục không có biến động nhiều so với ngày mùng 3 Tết. Giá hoa tươi, đặc biệt là hoa hồng có thể giảm nhẹ sau ngày lễ Valentine.

Riêng dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, đồ lễ thắp hương có thể vẫn tiếp tục ở mức cao do số lượng người dân đi du xuân đầu năm và đi lễ chùa và đi chơi những ngày cuối Tết sẽ tăng.

Bộ Tài chính kiến nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản; các dịch vụ trông giữ xe, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết.

Việc Bộ Tài chính theo sát tình hình giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán nhằm có biện pháp quản lý, điều hành giá cả phù hợp, không để xảy tình trạng thiếu hàng sốt giá, ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam