Năm 2021: Quản lý thị trường tăng cường triệt phá hàng giả, hàng lậu

10:38 | 09/02/2021 Print
(TBTCVN) - Nhận định năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn, lực lượng quản lý thị trường cả nước tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

thi

Việc có một trường đại học đào tạo chính quy cho lực lượng quản lý thị trường đánh dấu mốc son quan trọng trong công tác phát triển nguồn nhân lực hướng tới xây dựng một lực lượng quản lý thị trường chính quy chuyên nghiệp, hiện đại.

Nhận định năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn, vì vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường cả nước tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Kiểm soát hiệu quả thị trường trong bối cảnh dịch bệnh

Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường hàng hóa xảy ra hiện tượng đầu cơ tích trữ, tăng giá bất thường... Đặc biệt, xuất hiện nhiều nơi sản xuất thiết bị y tế phòng bệnh như khẩu trang kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người người sử dụng; tình trạng mua gom khẩu trang bán lại và tự nâng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính đã ảnh hưởng đến thị trường và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các hành vi gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, với các thủ đoạn tinh vi phức tạp nhằm trốn lậu thuế, lừa dối người tiêu dùng. Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh bán hàng trên mạng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng... làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, hàng giả, hàng nhái tại thị trường nội địa có mặt từ các cửa hàng tạp hóa, các chợ truyền thống, đến hè phố các đô thị, thậm chí trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những khu đô thị, với nhiều chiêu thức tinh vi, nhằm qua mặt các cơ quan quản lý. Hầu hết các nhãn hàng, các hãng sản xuất có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm sáng chế.

Trong bối cảnh đó, bám sát tình hình diễn biến trên thị trường, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) thường xuyên thanh kiểm tra, xử lý kịp thời và ngăn chặn các hành vi vi phạm, thông qua đó góp phần trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như ổn định kinh tế, sản xuất, xã hội.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, năm 2020, ngoài việc tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm…, Tổng cục QLTT đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh.

Đáng chú ý năm 2020, Tổng cục QLTT tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, tiếp tục tạo sự đột phá trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bổ nhiệm cán bộ toàn lực lượng, ổn định tư tưởng cho cán bộ để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn…

Ngoài ra, xác định được vai trò quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận góp phần giảm thiểu vi phạm, Tổng cục thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kỹ năng nhận biết hàng thật - hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng...

Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả trong tình hình mới

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định, năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn. Vì vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng QLTT cả nước tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Trong đó, Tổng cục QLTT sẽ xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống, xử lý hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025…

Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, tổng hợp báo cáo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

“Lực lượng QLTT quyết tâm nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm”, ông Linh nhấn mạnh.

Đặc biệt, 2021 cũng sẽ là năm tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, “Tổng cục QLTT sẽ tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của tổ chức, cá nhân trong lực lượng QLTT; kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng. Cùng với đó là tăng cường, thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký với các lực lượng, cơ quan, tổ chức, hiệp hội ngành hàng và tiếp tục thực hiện ký kết thêm nhiều quy chế phối hợp mới với các lực lượng, cơ quan, tổ chức liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp thực thi công vụ của các lực lượng. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nộp ngân sách hơn 350 tỷ đồng từ xử lý vi phạm về thị trường

Năm 2020, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý trên 66 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán (ước tính) trên 136 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm (ước tính) trên: 392 tỷ đồng. Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính.

Tố Uyên - Quyên Lưu

Tố Uyên - Quyên Lưu

© Thời báo Tài chính Việt Nam