Ngành Hải quan với dấu son trong cải cách, hiện đại hóa

11:24 | 06/02/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2020, ngành Hải quan đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa tạo thuận lợi thương mại, thông quan cho lượng hàng hóa đạt kim ngạch kỷ lục hơn 500 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt 315.000 tỷ đồng, góp phần vào thành công chung của ngành Tài chính.

Cán bộ Hải quan làm thủ tục cho khách hàng.

Cán bộ Hải quan làm thủ tục cho khách hàng.

Tạo thuận lợi thương mại giúp xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng

Bên thềm năm mới 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ với phóng viên TBTCVN về cảm nhận một năm đầy thách thức nhưng với quyết tâm mạnh mẽ, ngành Hải quan đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao năm 2020, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, trong năm 2020, Tổng cục Hải quan đã sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, triển khai quyết liệt các biện pháp vừa chống dịch, vừa tích cực hỗ trợ khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, ngành Hải quan tập trung vào việc đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý hoạt động XNK, xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn tự hào chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, Hải quan vẫn đảm đảm tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại với kim ngạch XNK tính đến 15/12 đã lên tới 515,27 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng hơn 22 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Về thu ngân sách nhà nước, năm 2020, toàn ngành thu đạt 315.000 tỷ đồng/338.000 tỷ đồng Quốc hội giao, bằng 93,2% dự toán, bằng 105% số thu đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua. Kết quả số thu này vượt mục tiêu lãnh đạo Bộ Tài chính giao ngành Hải quan phấn đấu thu đạt 312.000 tỷ đồng.

Với kết quả của năm 2020, ngành Hải quan đã cơ bản đạt được mục tiêu quan trọng (về cải cách hiện đại hóa, thông quan hàng hóa, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước) đề ra giai đoạn 2016 - 2020.

Trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc thực hiện hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, giai đoạn 5 năm trở lại đây (2015 - 2020), Hải quan Việt Nam đã và đang tích cực chuyển đổi phương pháp quản lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa…

Tiếp tục cải cách thủ tục hải quan

nguyen van can

"Ngành Hải quan sẽ xây dựng Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa Ngành giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, chú trọng việc tổ chức triển khai thành công Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 38/QĐ-TTg có hiệu lực từ 12/1/2021.

Với tinh thần chủ đạo: “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”, năm 2021, ngành Hải quan quyết tâm phấn đấu thu đạt hơn 5% chỉ tiêu thu ngân sách được Quốc hội giao (315.000 tỷ đồng), thực hiện tốt chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính". - Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Hải quan Việt Nam đã đưa vào vận hành hệ thống thông quan tự động trên phạm vi toàn quốc, với hơn 99% DN tham gia; xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian tiếp nhận, xử lý, trả kết quả chỉ từ 1 - 3 giây. Cơ quan hải quan đẩy mạnh hoạt động phối hợp thu ngân sách bằng phương thức điện tử, tạo thuận lợi cho DN có thể nộp thuế 24/7 và thông quan hàng hóa ngay. Đến nay, hơn 98% thuế, phí, lệ phí với hàng hóa XNK được thực hiện bằng phương thức điện tử tiên tiến.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái, mặc dù giai đoạn 2012 - 2020, biên chế không tăng nhưng ngành đã thực hiện tốt công tác quản lý về hải quan trong bối cảnh công việc tăng gần gấp 2 lần. Từ năm 2012 đến 2020, số lượng tờ khai hải quan tăng 2,57 lần (năm 2012 là 5,19 triệu tờ khai, năm 2019 là 13,32 triệu tờ khai). Kim ngạch hàng hóa XNK của Việt Nam cũng đạt được những bước tiến kỷ lục. Năm 2011, kim ngạch XNK của nước ta mới đạt khoảng 200 tỷ USD, đến năm 2019, quy mô XNK hàng hóa đã vượt mốc 500 tỷ USD; năm 2020, ước tính kim ngạch XNK vượt năm 2019 từ 10% - 20%.

Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới đối với hàng nhập khẩu giảm từ 170 giờ năm 2015 xuống còn 132 giờ năm 2019; hàng xuất khẩu giảm từ 140 giờ năm 2015 xuống còn 105 giờ năm 2019.

Năm bản lề cho giai đoạn phát triển mới

Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, đây là năm có tính chất bản lề đối với Hải quan Việt Nam trong việc bước sang một giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những thuận lợi thì những khó khăn ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến hoạt động kiểm soát hải quan chống buôn lậu, gian lận thương mại, đòi hỏi ngành Hải quan phải nỗ lực hơn nhiều so với năm 2020.

Với tinh thần chủ đạo “Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, năm 2021, ngành Hải quan tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, tạo thuận lợi thương mại, chống buôn lậu, quyết tâm phấn đấu thu đạt hơn 5% chỉ tiêu thu ngân sách được Quốc hội giao (315.000 tỷ đồng).

Trong năm 2021 và những năm tới, ngành Hải quan tập trung nguồn lực thực hiện chiến lược phát triển mới của Hải quan Việt Nam. Trọng tâm, cốt lõi là thực hiện đề án thiết kế lại tổng thể hệ thống công nghệ thông tin và xây dựng mô hình mới theo hướng cơ quan hải quan thông minh, hiện đại ngang tầm các nước phát triển trên thế giới; tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính triển khai hiệu quả việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại theo đúng mục tiêu, chỉ đạo của Chính phủ; sẵn sàng triển khai đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” khi được Chính phủ phê duyệt.

Đối với công tác chống buôn lậu, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề khi quy mô các vụ buôn lậu ngày càng lớn, đồng thời ngày càng có sự xuất hiện của nhiều tổ chức tội phạm quốc tế, xuyên quốc gia. Lực lượng hải quan tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ; thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật và chỉ đạo của lãnh đạo các cấp; thực hiện tốt quy chế phối hợp với các lực lượng chức năng, chủ động xây dựng kế hoạch chuyên đề, chuyên án để đấu tranh có hiệu quả, đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ; chống vận chuyển trái phép, kinh doanh hàng cấm như ma túy…” - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn khẳng định.

Hải quan Việt Nam: Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo

Mục tiêu cốt lõi của Hải quan Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu xây dựng ngành Hải quan hiện đại ngang tầm các nước phát triển hàng đầu trong khu vực. Tổng cục Hải quan phát động phong trào thi đua yêu nước, với chủ đề “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo”, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ quan hải quan điện tử thống nhất với kiến trúc chính phủ điện tử; áp dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý hải quan; hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước do Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao hàng năm; phấn đấu đến năm 2025 số thu thông qua thu thuế điện tử và thông quan 24/7 đạt 100%.

Song Linh

Song Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam