Thu ngân sách tháng 1/2021 đạt hơn 153 nghìn tỷ đồng

15:40 | 03/02/2021 Print
(TBTCVN) - Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1/2021 ước đạt 153,5 nghìn tỷ đồng, bằng 11,4% dự toán, nhưng vẫn giảm 15,5% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hầu hết các khoản thu trong tháng này đều giảm so với cùng kỳ.

Chỉ riêng dầu thô, trong tháng 1/2021 số thu về ngân sách đạt khoảng 2,45 tỷ đồng

Chỉ riêng dầu thô, trong tháng 1/2021 số thu về ngân sách đạt khoảng 2,45 tỷ đồng, bằng 10,6% dự toán.

Thu từ nhiều khu vực kinh tế giảm

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thu nội địa tháng 1/2021 ước đạt 131,55 nghìn tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán, giảm 16,5% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 10,6% dự toán, giảm 23,4%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,5% dự toán, giảm 15,8%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 13,6% dự toán, giảm 15,4%; thuế thu nhập cá nhân đạt 10,2% dự toán, giảm 19,7%; các loại phí, lệ phí đạt 9,8% dự toán, giảm 7,5% so cùng kỳ năm 2020.

Thu từ dầu thô ước đạt 2,45 nghìn tỷ đồng, bằng 10,6% dự toán, giảm 66,7% so cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do tháng 1/2020 phát sinh thu từ nguồn kết dư chi phí năm 2019 của liên doanh Vietsopetro (2,7 nghìn tỷ đồng), sang tháng 1/2021 không phát sinh. Giá dầu của Việt Nam thanh toán trong kỳ bình quân đạt 51 USD/thùng, cao hơn 6 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng ước đạt 710 nghìn tấn, bằng 8,9% kế hoạch.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 1/2021 ước đạt 28 nghìn tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 ước giảm 3% so với tháng 12/2020 và tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2020. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (8,5 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán.

Về chi ngân sách nhà nước (NSNN), theo Bộ Tài chính, tổng chi cân đối NSNN tháng 1/2021 ước đạt 99,6 nghìn tỷ đồng, bằng 5,9% dự toán, đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội (chiếm 68,8% tổng số chi). Ngoài ra, các khoản chi đã tập trung đảm bảo kinh phí tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng chính sách; đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ lãi đến hạn (chiếm 16,4% tổng chi). Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 1,7 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2021.

Về cân đối NSNN, theo Bộ Tài chính, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong tháng 1/2021, Bộ Tài chính chính đã phát hành gần 23,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,95 năm, lãi suất bình quân 2,37%/năm (năm 2020 kỳ hạn bình quân 13,94 năm, lãi suất bình quân 2,86%/năm).

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương giao dự toán

Về phân bổ dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, theo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã khẩn trương triển khai phân bổ, giao dự toán NSNN đến các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc theo quy định.

Theo thống kê, tính đến ngày 27/1/2021, Bộ Tài chính đã nhận được quyết định phân bổ, giao dự toán chi ngân sách thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc của 71/77 (92%) bộ, cơ quan trung ương; quyết định phân bổ, giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các chủ đầu tư của 38/50 (76%) bộ, cơ quan trung ương được giao kế hoạch vốn năm 2021.

Nhìn chung, công tác phân bổ, giao dự toán NSNN của các bộ, cơ quan trung ương cơ bản đáp ứng yêu cầu, đúng chính sách, chế độ quy định và trong phạm vi dự toán được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chậm triển khai hoặc chưa phân bổ hết dự toán; phân bổ dự toán chưa đúng quy định. Đối với các trường hợp này, Bộ Tài chính đã yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán hoặc điều chỉnh lại dự toán đã phân bổ.

Đối với các địa phương, HĐND 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quyết định dự toán NSNN năm 2021 của địa phương với tổng số thu cân đối NSNN trên địa bàn (không bao gồm các khoản thu quản lý qua ngân sách) là 1.445 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% (73 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó: thu nội địa tăng 6,6% (68 nghìn tỷ đồng), với 46/63 địa phương quyết định dự toán thu cao hơn dự toán được giao, 17 địa phương quyết định bằng dự toán được giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 1,7% (5 nghìn tỷ đồng); thu từ dầu thô bằng dự toán được giao.

Trên cơ sở số thu cân đối ngân sách địa phương giao tăng thêm và nguồn thu kết dư từ năm trước, HĐND các địa phương đã quyết định tổng chi cân đối ngân sách địa phương (không bao gồm các khoản chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương) là 946 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% (86 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương là 120 nghìn tỷ đồng, bằng dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng chi NSNN năm 2021 giảm khoảng 60.000 tỷ đồng so với năm 2020. Do đó, các địa phương phải triệt để tiết kiệm, siết giảm ngay từ khâu thực hiện dự toán và phải yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách, dành ưu tiên cho đầu tư phát triển.

Giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 1/2021 đạt hơn 96%

Ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 đến hết tháng 1/2021 đạt 96,1% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm. Tính cả kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2020 và số kế hoạch giao bổ sung trong năm, thì số vốn giải ngân đạt 80,6% kế hoạch được giải ngân năm 2020. Đồng thời, đang trong quá trình phân bổ, thông báo kế hoạch vốn năm 2021 cho các chủ đầu tư, nên tiến độ chi tháng 1 đạt thấp (ước 3,1% dự toán).

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam