“Ghìm cương” bội chi, nợ công, củng cố dư địa tài khóa

08:59 | 30/01/2021 Print
Ở thời điểm đầu nhiệm kỳ 2016-2020, gánh nặng nợ công lên đến 63,7% GDP, cả nền kinh tế “oằn lưng” trả nợ. Sau 5 năm, bội chi ngân sách, nợ công đã được “ghìm cương”, dư địa tài khóa được củng cố đủ để ứng phó và vượt qua rủi ro bất ngờ như dịch Covid-19.

sân bay

Do nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, chúng ta vẫn phải bội chi và vay nợ. Ảnh: TL.

Đã "nhẹ gánh" nợ công

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, do nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, chúng ta vẫn phải bội chi và vay nợ, nhưng công tác quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2019 đã đạt nhiều kết quả tích cực, nợ công được kiểm soát tốt.

Ở năm đầu nhiệm kỳ, năm 2016, tỷ lệ nợ công là 63,7% GDP, nhưng đến cuối năm 2019 là khoảng 55% GDP. Tốc độ tăng dư nợ công giảm hơn một nửa, chỉ khoảng 7,9%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019 so với giai đoạn 2011 - 2015 là 18,1%/năm. Vì thế, tỷ lệ nợ công so với GDP các năm qua đều giảm và giảm rất sâu, duy trì trong ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt.

Điều đáng nói đó là giai đoạn vừa qua, cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, ngành Tài chính đã rất nỗ lực cơ cấu lại danh mục nợ chính phủ. Nợ chính phủ chủ yếu là các khoản phát hành trái phiếu tại thị trường vốn trong nước và các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Tuy nhiên, cơ cấu vay chuyển dịch dần theo hướng tăng vay trong nước giảm rủi ro tỷ giá, hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước.

Nếu năm 2011 dư nợ vay nước ngoài chiếm hơn 61% dư nợ chính phủ thì đến nay đã đảo chiều, tỷ trọng vay trong nước dự kiến cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ (năm 2016 là 60,1%). Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) trong nước bình quân giai đoạn 2012 - 2015 khoảng trên 4 năm, thì từ đầu năm đến nay bình quân là 13,44 năm, đã phát hành được trái phiếu kỳ hạn 20 - 30 năm. Kỳ hạn còn lại danh mục nợ TPCP, nếu như trước kia bình quân trên 3 năm thì nay xấp xỉ đạt 7,42 năm, áp lực vay đảo nợ giảm mạnh.

Còn nhớ, thời điểm bước vào nhiệm kỳ, năm 2016 con số nợ công tăng cao đã khiến ngân sách “căng như dây đàn”. Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm lên tới khoảng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%, vượt giới hạn đề ra (25%).

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ví rằng việc điều hành ngân sách như “đi trên dây”, “nếu đứt dây thì chúng ta chết”. Thế nhưng, với những nỗ lực của cả guồng máy chính trị, bội chi ngân sách cùng với nợ công đều đã được “ghìm cương”.

Quy định về quản lý, sử dụng nợ công, tài sản công được đổi mới theo hướng chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Năm 2017, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về quản lý nợ công, Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này còn Quốc hội tiến hành sửa đổi dự Luật Quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, thực hiện các quy định của Luật Quản lý nợ công, bám sát các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện việc tổ chức tái cơ cấu danh mục nợ, hoán đổi trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài, qua đó kéo dài kỳ hạn còn lại, giảm áp lực trả nợ, cắt đỉnh nợ cho NSNN.

Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các giải pháp quản lý nợ bền vững, Chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ hằng năm, quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại; tăng cường giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương, qua đó, góp phần giảm nợ công. Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong phạm vi giới hạn cho phép.

Với những nỗ lực đó, các con số dần thay đổi trong báo cáo về tình hình ngân sách mỗi năm đã phần nào làm chúng ta an lòng.

Cùng với nợ công, bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm mạnh, khoảng 3,8% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép, giảm tới 1,6% so với giai đoạn 2011 - 2015 (5,4%).

Được các tổ chức quốc tế đánh giá cao

Nỗ lực kiểm soát nợ công của Việt Nam thời gian qua đã được các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao. Việc trả nợ của chúng ta luôn đảm bảo đúng hạn, không để xảy ra nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới các cam kết, góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia.

Hồi tháng 5/2020, Việt Nam đã được Tạp chí The Economist xếp hạng thứ 12 trong số 66 nền kinh tế mới nổi về “sức khỏe” tài chính, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19. Các đánh giá của The Economist dựa trên 4 nhân tố, bao gồm: nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối.

Dù vậy, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, không ít đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ lo lắng về an toàn nợ công khi nhìn thấy trong báo cáo của Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN có xu hướng tăng. Cụ thể, cuối năm 2019, Chính phủ đã dự kiến tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu NSNN ở mức khoảng 19,5 - 20,5% nhưng đến hết tháng 9/2020, theo báo cáo của Chính phủ đã lên tới khoảng 24,1%, suýt chạm “barie” 25%.

Về vấn đề này, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ) cho rằng, lo lắng trên xuất phát từ thực tế đại dịch Covid-19 đã khiến cả nền kinh tế rơi vào khó khăn, tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh, mức tăng GDP năm 2020 từ dự kiến ban đầu 6,8% nhưng nhiều khả năng chỉ đạt mức 2,3-3%. Khi đó, xuất hiện những lo lắng việc thu ngân sách không đảm bảo dự toán, dù con số nợ công không thay đổi nhưng vì “mẫu số” là số thu NSNN giảm đi nên tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính cũng đã khẳng định, các khoản nợ đến hạn phải trả, bao gồm cả gốc và lãi đều đã có trong kế hoạch dự toán ngân sách 2020. Do đó, vẫn đảm bảo khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Cùng với đó, một nguyên tắc nhất quán được quán triệt đó là: Chính phủ chỉ vay trong khả năng trả nợ của NSNN; chỉ vay trong tổng hạn mức Quốc hội đã phê duyệt; nợ vay phải được sử dụng hiệu quả. Nợ vay sử dụng hiệu quả sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách, từ đó gia tăng nguồn trả nợ.

Tại Quyết định số 1130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2020 - 2022 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020, Thủ tướng đặt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng thời kỳ; phấn đấu đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 51,4% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,2% GDP, cơ cấu nợ nước ngoài trong tổng nợ công ở mức 40-45%.

Về vay, trả nợ của Chính phủ, Quyết định nêu rõ: “Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ; đảm bảo chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25%”.

Điều này khẳng định một lần nữa, bất chấp những khó khăn do đại dịch, chúng ta không “buông” những nguyên tắc, không “xé rào” các chỉ tiêu về nợ công./.

Anh Huy

Anh Huy

© Thời báo Tài chính Việt Nam