Cắt giảm thuế quan, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế

15:06 | 29/01/2021 Print
Việt Nam gia nhập nhiều tổ chức thương mại quốc tế với các cam kết cắt giảm thuế quan đã mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ra “biển lớn”. Tiến trình hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế đã góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.

hàng hóa

Nhờ cắt giảm thuế quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đều tăng trưởng. Ảnh: TL.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh qua các năm

Giai đoạn từ 2001 đến nay, ngành Tài chính đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ hợp tác tài chính, góp phần quan trọng trong việc thực hiện đa phương hóa và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của đất nước.

Bộ Tài chính đã chủ động hội nhập quốc tế thông qua tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong các lĩnh vực thuế quan và dịch vụ tài chính. Số lượng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia không ngừng tăng lên. Đến đầu năm 2020, số lượng hiệp định mà Việt Nam tham gia là 14 hiệp định (năm 2016 là 10 hiệp định). Việc tham gia vào các hiệp định thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, mở ra nhiều thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp trong nước, đa dạng hoá đối tác quốc tế.

Hàng nghìn dòng thuế được cắt giảm, trong đó có nhiều mặt hàng là lợi thế của Việt Nam như dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy…; trong khi đó những mặt hàng trọng yếu, nhạy cảm vẫn được duy trì mức bảo hộ nhất định, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, vươn tầm ra với thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc mở cửa thị trường đối với hàng hóa nhập khẩu, mức độ cam kết thuế nhập khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được xây dựng và thực hiện theo lộ trình cam kết với các đối tác FTA, thường là các đối tác có trao đổi thương mại lớn với Việt Nam và có đầu tư lớn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích thêm, lộ trình cam kết thuế được thực hiện từng bước, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh có thời gian để thích ứng và chuẩn bị. Trên cơ sở đó các cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do, ngành Tài chính đã xây dụng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong các FTA.

Với nỗ lực hội nhập trên cả phương diện song phương và đa phương, mở cửa thị trường hàng hóa trong các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Để tận dụng những cơ hội này, thời gian qua Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng. Thành công trong đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do, tham gia các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Từ năm 2015 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đều tăng trưởng nhanh, đặc biệt năm 2017 đạt mức tăng trưởng 21,8% xuất khẩu và 21,9% về nhập khẩu. Cán cân thương mại hàng hóa đều đạt mức thặng dư và tăng trưởng hàng năm. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu đạt mức trên 517 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức 10,87 tỷ USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 262,4 tỷ USD.

Đáng chú ý trong năm 2019, tức là 3 năm sau khi Hiệp định CPTPP được ký kết, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên tham gia CPTPP đã tăng đột biến 111,1%, cao hơn rất nhiều so với các năm trước và là năm có tốc độ tăng cao nhất trong giai đoạn 2015-2019.

Trong năm 2020, mặc dù chịu các tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng xuất nhập khẩu vẫn ghi nhận những nét tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước.

Cơ cấu lại nguồn thu, tránh tác động tới ngân sách

Việc tham gia hội nhập sâu rộng, bên cạnh những kết quả tích cực trong xuất nhập khẩu nêu trên, cũng đi kèm những thách thức không nhỏ, trong đó, một trong những vấn đề đặt ra là xu hướng giảm thu ngân sách do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan.

Đơn cử như với 2 FTA “thế hệ mới” được ký trong năm 2019 là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là những FTA có mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sâu rộng và lộ trình ngắn hơn so với đa số các FTA nước ta đã ký kết và tham gia trước đó.

Đối với CPTPP, các nước tham gia cam kết xóa bỏ từ 97% - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam theo lộ trình 10 năm. Đáng chú ý, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm.

Trong khi đó, với EVFTA, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Về phía Việt Nam, nước ta cũng sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU vào Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực và sẽ tăng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm…

Ở khía cạnh khác, về cân đối ngân sách nói chung, những năm gần đây, ngành Tài chính đã có những giải pháp tái cơ cấu thu ngân sách nhà nước, gia tăng nguồn thu nội địa một cách hợp lý, mở rộng cơ sở tính thuế để bù đắp vào thiếu hụt do giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu. Theo đó, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2010 bình quân đạt 55,2%, giai đoạn 2016 -2018 bình quân đạt 74,8%, đến năm 2020 đạt khoảng 85,5% trong tổng thu ngân sách.

“Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính đang và sẽ tăng cường hoàn thiện công tác pháp luật thể chế, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngân sách nhà nước nhằm hạn chế tác động của việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa cơ quan thuế, cơ quan hải quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, giảm số giờ làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, kiểm soát hiệu quả xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết./.

Anh Huy

Anh Huy

© Thời báo Tài chính Việt Nam