Không được tái xuất phế liệu qua cửa khẩu đường bộ và đường thủy nội địa

15:25 | 27/01/2021 Print
Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan giám sát chặt chẽ việc tái xuất các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu ngay tại cửa khẩu nhập, không tái xuất theo từng container cho từng lần vận chuyển.

phế liệu

Cán bộ hải quan kiểm kê phế liệu tồn đọng tại cảng biển. Ảnh: Hải Anh

Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã có công văn chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu về việc tái xuất các lô hàng phế liệu tồn đọng không đủ điều kiện nhập khẩu về nước xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo, sau khi có kết quả giám định xác định là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, việc tái xuất thực hiện ngay tại cửa khẩu nhập và không được thực hiện tái xuất qua cửa khẩu đường bộ và đường thủy nội địa.

Để tránh gian lận, các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển phải thực hiện thủ tục tái xuất theo từng vận đơn khi nhập khẩu (không được chia nhỏ lô hàng, không chia nhỏ số lượng container, không tái xuất theo từng container cho từng lần vận chuyển).

Các container phế liệu tồn đọng tại cảng biển phải được lưu giữ nguyên trạng trong container ban đầu, không được chuyển hàng hóa sang vỏ container khác trước khi tái xuất.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không thể thực hiện tái xuất theo quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan.

Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm có văn bản đề nghị thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy hàng hóa ngay và chịu chi phí tiêu hủy để nhanh chóng thu hồi vỏ container và giảm bớt tiền lưu kho, lưu bãi.

Trường hợp hàng hóa vi phạm đã quá thời hạn tái xuất theo văn bản yêu cầu của cơ quan hải quan thì cục hải quan tỉnh, thành phố căn cứ khoản 2 Điều 22 Nghị định 127/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP để xem xét khi quyết định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy đối với hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật. Chi phí tiêu hủy thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam