“Thúc” quá trình cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước

10:35 | 20/01/2021 Print
(TBTCVN) - Với việc hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước được ban hành đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, đã thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp phần thúc đẩy tiến trình sắp xếp, đổi mới

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp phần thúc đẩy tiến trình sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp…

Đồng thời, đảm bảo quá trình cổ phần hóa, thoái vốn được thực hiện một cách chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII), trong 5 năm qua, Bộ Tài chính đã hoàn thiện thể chế nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ, hiệu quả hơn vốn, tài sản, tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) nhà nước (DNNN); cũng như xây dựng các cơ chế chính sách phục vụ quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. Ông đánh giá như thế nào về hệ thống cơ chế chính sách liên quan CPH, cơ cấu lại DNNN hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Phong: CPH, thoái vốn DNNN là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước (NN) trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một quá trình được thực hiện trong rất nhiều năm qua và bắt đầu được đẩy mạnh từ năm 2011, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Nguyễn Minh Phong
Ông Nguyễn Minh Phong

Để phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN thì trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2020, cơ chế, chính sách phục vụ công tác CPH, sắp xếp DNNN được hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn, tăng cường công khai minh bạch trong quá trình CPH, tính đúng, tính đủ giá trị DN khi CPH, tách quá trình xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình CPH… Qua đó đã hạn chế thất thoát vốn, tài sản NN trong quá trình CPH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động...

Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách tài chính về đầu tư vốn NN vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN được hoàn thiện, bổ sung theo hướng tạo điều kiện để quá trình chuyển nhượng vốn NN, vốn của DNNN đầu tư tại DN khác đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, bảo toàn vốn NN, DNNN đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn của NN, DNNN.

Ngoài ra, chế độ, chính sách đối với người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp lại DN được đổi mới phù hợp, đã giúp cho việc giải quyết chế độ được thuận tiện, nhanh chóng, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ, từ đó nhận được sự đồng thuận của cả người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình sắp xếp, CPH DNNN, góp phần thúc đẩy tiến trình sắp xếp, đổi mới, phát triển DN…

PV: Với việc hệ thống cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN ngày càng hoàn thiện như vậy, phải chăng đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn 2016 – 2020, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Phong: Tôi cũng cho rằng, với việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật đã giúp quá trình sắp xếp, đổi mới, CPH DNNN trong giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể như, các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty NN được sắp xếp lại tinh gọn hơn, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đồng thời, hầu hết các DNNN sau khi CPH đều có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn, vừa đóng góp quan trọng cho ngân sách NN để phục vụ đầu tư phát triển, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiều nhiệm vụ kinh tế, chính trị khác.

Bên cạnh đó, đã hình thành các tổng công ty và một số tập đoàn kinh tế ở những lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế, nhiều DN xây dựng được thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2020, các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty NN đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phục hồi nền kinh tế, qua đó uy tín và vị thế của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao….

PV: Để cơ chế chính sách tiếp tục hỗ trợ quá trình sắp xếp, cơ cấu lại DNNN trong những giai đoạn tiếp theo, theo ông, cần định hướng đổi mới cơ chế chính sách theo hướng nào?

Ông Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát hệ thống cơ chế chính sách, để tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường các quy định buộc các DNNN cạnh tranh công bằng và tuân thủ đầy đủ kỷ luật và chuẩn mực thị trường trong đầu tư và kinh doanh, nhất là việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DNNN. Cùng với đó, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định pháp luật để đảm bảo DNNN có đầy đủ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN sau CPH…

Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn do thực hiện một số quy định pháp luật hiện hành cũng cần được tiếp tục xem xét, đánh giá đầy đủ, từ đó đề ra hướng sửa đổi chính sách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổng công ty, DNNN trong quá trình thực hiện CPH, thoái vốn.

Ngoài ra, một số luật liên quan đến DNNN như Luật Quản lý, sử dụng vốn NN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Phá sản, Luật Đất đai, thì các cơ quan chức năng cần hoàn thành việc rà soát, tổng kết, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành các luật sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại DNNN giai đoạn tới…

PV: Xin cảm ơn ông!

Diệu Thiện (thực hiện)

Diệu Thiện (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam