Cần thiết phải có mô hình mới về kiểm tra chuyên ngành

14:36 | 13/10/2020 Print
Sáng 13/10, cho ý kiến vào Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, đại diện đến từ các bộ, ngành đều thống nhất cho rằng, cần thiết phải có đề án này, để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

cuộc họp đề án

Đại diện đến từ Bộ Công thương cho ý kiến vào dự thảo đề án. Ảnh: T.T.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu đã đạt được một số kết quả quan trọng, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo chuyển biến mang tính đột phá cũng như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Do đó, việc thực hiện Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết.

Không có chuyện chồng chéo trong quản lý

Cho ý kiến tại cuộc họp do Văn phòng Chính phủ tổ chức để lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng, hầu hết đại diện các bộ, ngành đều đồng tình cần thiết phải ban hành đề án, nhằm cải cách mạnh mẽ hơn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đại diện đến từ Bộ Công thương băn khoăn khi cho rằng, nếu giao 1 sản phẩm chỉ kiểm tra một đầu mối duy nhất, thì liệu có chồng chéo hay không(?), khi Bộ Tài chính thực hiện chức năng của Bộ Khoa học công nghệ chẳng hạn. Ngoài ra, cần làm rõ việc áp dụng chung mô hình kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mỗi loại hàng hóa, vì mỗi loại có yêu cầu quản lý chuyên ngành khác nhau; đồng thời, phải cập nhật, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành.

Đại diện đến từ Bộ Y tế cho biết, hiện nay, theo yêu cầu của Chính phủ, đã trao trách nhiệm nhiều hơn cho doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng, nên cơ quan nhà nước chỉ kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn (không kiểm tra chất lượng). Với đề án này, thêm một nội dung là kiểm tra chất lượng, thì khi thực phẩm trong nước, hậu kiểm trên chỉ tiêu an toàn; còn thực phẩm nhập khẩu thì phải làm thêm thủ tục công bố chứng nhận hợp quy. Do đó, cần phải cân nhắc quy định này, tránh sự mất công bằng giữa thực phẩm nhập khẩu và trong nước.

Theo vị đại diện đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ này đã tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng đối với cải cách kiểm tra chuyên ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao; thông thường kiểm tra 8 giờ/sản phẩm, tối đa 1 ngày, đã vượt chỉ tiêu ASEAN +4. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn toàn nhất trí với 7 cải cách mà đề án đưa ra, để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, bởi theo vị này “đây là cải cách cực lớn”.

Đại diện đến từ VCCI có ý kiến đồng thuận cao nhất với dự thảo đề án. Vị này cho rằng, VCCI đã triển khai điều tra đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và kết quả cho thấy, doanh nghiệp rất kỳ vọng những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ. 7 giải pháp đề án đưa ra là các giải pháp quan trọng, hy vọng sẽ khắc phục những bất cập, mong rằng quy định sớm hiện thực hóa để đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.

Tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành khẳng định: “Chúng tôi chỉ giữ một vai trò. Các bộ, ngành giữ vai trò như bây giờ, thậm chí còn cao hơn là hậu kiểm. Đề án thực hiện sẽ chống được gian lận. Đây là thủ tục mới, đơn giản hơn, phù hợp với đa số những người chấp hành pháp luật”.

Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC, Văn phòng Chính phủ) đánh giá cao Bộ Tài chính. Ông cho rằng, Bộ Tài chính rất cầu thị, đã nhanh chóng cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị và của Chính phủ.

Trước những ý kiến còn băn khoăn khi tập trung về một đầu mối, ông Ngô Hải Phan khẳng định: “Đây chỉ đưa ra định hướng cải cách, theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trên cơ sở đó, thể chế hóa các nội dung cải cách và những vấn đề thuộc thẩm quyền cải cách của Chính phủ. Đề án nhằm tăng thời gian thông quan, giảm phiền hà, cắt giảm chi phí; vai trò quản lý nhà nước của các bộ vẫn giữ nguyên. Các quy định được thực hiện công khai, minh bạch, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý".

"Khi cơ quan hải quan được giao nhiệm vụ này, các bộ có quyền kiểm tra cả hải quan làm có đúng không, cho nên không có chồng chéo ở đây", ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Ước tính doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 881 tỷ đồng/năm

Đánh giá tác động chung của đề án đối với nền kinh tế, Bộ Tài chính cho rằng, khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng, cuối cùng mang lại nhiều cơ hội hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD/năm, với giả định thời gian kiểm tra chuyên ngành 5 ngày, chi phí kiểm tra chuyên ngành chiếm 2,1% trị giá hàng hóa nhập khẩu.

Tác động đối với doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cũng được Bộ Tài chính nhận định. Theo đó, ước tính, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới là khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do Đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Tổng số ngày kiểm tra DN tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới trong một năm là hơn 2,4 triệu ngày, tương đương với chi phí tiết kiệm được khoảng 881 tỷ đồng/năm (xấp xỉ 37,8 triệu USD).

Về lộ trình thực hiện, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, do đây là đề án khó, phức tạp, nên Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong quý II/2021, tuy nhiên, kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tài chính sớm đẩy nhanh tiến độ, để có thể trình Chính phủ vào quý I/2021./.

Cộng động doanh nghiệp đề nghị thống nhất đầu mối về cơ quan hải quan

Qua lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức cho thấy, đề án được cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ, đánh giá cao về các nội dung cải cách và mong muốn sớm được phê duyệt để triển khai. Theo cộng đồng doanh nghiệp, việc Chính phủ giao cơ quan hải quan hải quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu là phù hợp quy định, vì các luật liên quan không giới hạn trách nhiệm của cơ quan hải quan về việc kiểm tra chuyên ngành. Một số ý kiến của doanh nghiệp cho rằng không nên để song song 2 cơ quan kiểm tra kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm gồm cơ quan hải quan và cơ quan kiểm tra thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực, mà nên thống nhất đầu mối về cơ quan hải quan.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam