Quảng Ninh thực hiện cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công: Tạo chuyển biến lớn trong cách nghĩ cách làm

10:50 | 02/01/2017 Print
(TBTCVN) - Thời gian qua các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực về thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, tăng cường tính chủ động trong công tác quản lý tài chính.

lam

Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập tại Quảng Ninh đã chủ động thực hiện tự chủ về tài chính.

Nhân dịp năm mới, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trò chuyện cùng bà Trịnh Thị Minh Thanh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh xung quanh nội dung này.

PV: Bà có thể cho biết đôi nét về hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công thời gian qua ?

Bà Trịnh Thị Minh Thanh: Việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp đã tạo ra sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ công chức, viên chức trong các đơn vị, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của cán bộ viên chức và người lao động.

Các đơn vị được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã chủ động sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ, chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng nguồn thu, tiết kiệm chi, nâng cao thu nhập cho cán bộ. Mức thu nhập tăng thêm giai đoạn 2014 - 2016 của cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp tỉnh Quảng Ninh khi thực hiện chế độ tự chủ trung bình trên 1 triệu đồng/người/tháng.

thanh
Bà Trịnh Thị Minh Thanh

Việc thực hiện chế độ tự chủ cũng tăng cường tính chủ động của thủ trưởng đơn vị trong công tác quản lý nhân sự và quản lý tài chính, tạo chuyển biến lớn trong cách nghĩ, cách làm của người đứng đầu đơn vị, mạnh dạn quyết định những công việc có lợi cho đơn vị trong khuôn khổ pháp luật, thẩm quyền được giao và nguồn kinh phí được cấp; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng các dịch vụ công... Mặt khác, việc giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức đặt hàng đã góp phần sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài sản, cơ sở vật chất do nhà nước đã đầu tư, phát huy năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó tạo tiền đề cho việc đổi mới phương thức từ hình thức giao dự toán theo biên chế sang hình thức giao dự toán theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm đầu ra.

PV: Thưa bà, việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực và thực hiện cơ chế đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, khó khăn gì?

Bà Trịnh Thị Minh Thanh: Tuy đã đạt được một số kết quả nhưng tiến độ thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của một số đơn vị còn chậm, chưa có bước chuyển biến đột phá, chưa tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công. Tiêu chí kết hợp việc đánh giá kết quả sử dụng kinh phí với kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng hoạt động khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể.

Số đơn vị do NSNN đảm bảo kinh phí còn chiếm tỷ lệ cao. Trong đó có 754 đơn vị do NSNN đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, chủ yếu là các đơn vị thuộc ngành Giáo dục, Y tế (chiếm 86,1 %); 38 đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động (chiếm 4,5 %); 83 đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, chủ yếu là các đơn vị sự nghiệp kinh tế (chiếm 9,4 %).

Một số đơn vị chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên một số cán bộ, viên chức vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Chưa tích cực, chủ động xây dựng phương án tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp, chưa thực hiện tốt công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và phải cạnh tranh với các đơn vị khác trên địa bàn nên nguồn thu còn hạn chế, không đủ để đảm bảo chi thường xuyên ở mức tối thiểu, nhất là chi lương và các khoản có tính chất lương cho cán bộ, viên chức.

Hiện tại hầu hết các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác của tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tự chủ với mức tự chủ từ 30% đến 100%. Các đơn vị còn lại chưa giao tự chủ về tài chính hầu hết thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội... khả năng tự chủ thấp do các dịch vụ đảm bảo an sinh, xã hội, chưa tính đủ chi phí trong giá, phí và chưa được tự chủ đồng bộ.
Sở Tài chính Quảng Ninh đang báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phương án giao tự chủ về tài chính năm 2017 cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các đơn vị thuộc khối điều trị của ngành Y tế theo hướng giảm dần kinh phí NSNN cấp cho các đơn vị, trên cơ sở giảm các chi phí đã được chuyển vào giá dịch vụ với mức giao tự chủ dự kiến từ 10% đến 50% trên số giường bệnh ngân sách cấp để đảm bảo cho số giường bệnh thực kê.

Việc đổi mới cơ chế cấp phát, phân bổ NSNN theo biên chế đầu vào trước đây sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo sản phẩm đầu ra còn hạn chế. Trong tổng số 83 đơn vị được giao tự chủ 100% kinh phí mới có 7 đơn vị thực hiện cơ chế đặt hàng với số kinh phí trên 8 tỷ đồng/năm, chủ yếu là ở khối tỉnh quản lý (các địa phương chưa triển khai thực hiện).

PV: Bà có thể cho biết cụ thể số kinh phí tiết kiệm do tăng tỷ lệ giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp từ năm 2014 đến nay?

Bà Trịnh Thị Minh Thanh: Số tiền tiết kiệm do tăng tỷ lệ giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp từ năm 2014 đến nay (2016) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 81,2 tỷ đồng, trong đó các cơ quan, đơn vị khối tỉnh quản lý tiết kiệm 75 tỷ đồng; các huyện, thị xã, thành phố tiết kiệm 6,2 tỷ đồng. Dự kiến kinh phí tiết kiệm năm 2017 do giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp là 85,1 tỷ đồng.

Số kinh phí tiết kiệm trên một phần được bổ sung nguồn vốn chi đầu tư phát triển, góp phần tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ trên 30% tổng chi ngân sách địa phương năm 2014, lên trên 50% vào năm 2016; bổ sung kinh phí đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, mua sắm thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo tiếng Anh cho giáo viên ở nước ngoài, mua sắm các trang thiết bị, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở y tế của ngành Y tế, bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần nâng cao trình độ, năng lực làm việc, đảm bảo tinh gọn…

PV: Tới đây Sở Tài chính sẽ có những kiến nghị gì đối với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tự chủ, đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, thưa bà?

Bà Trịnh Thị Minh Thanh: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ và triển khai có hiệu quả các chủ trương, định hướng của nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đổi mới cơ chế tài chính, tới đây, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ban ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công theo Điều 4 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp là một quá trình, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành và sự chủ động, tích cực từ chính các đơn vị sự nghiệp. Có như vậy, công tác đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian tới mới đạt được kết quả theo kế hoạch đã đề ra.

PV: Xin cảm ơn bà!

Huy Phong

Huy Phong

© Thời báo Tài chính Việt Nam