Sẽ kiểm tra gian lận thuế xăng dầu qua cấp C/O

10:13 | 14/09/2015 Print
Tổng cục Hải quan cho biết sẽ có kế hoạch kiểm tra với các cơ quan cấp C/O liên quan để xác định các mặt hàng xăng dầu đang được hưởng mức thuế ưu đãi ATIGA có đạt được quy tắc xuất xứ ASEAN hay không, đảm bảo không có gian lận thuế thông qua xuất xứ đối với mặt hàng xăng dầu.

Trước đó, trong văn bản gửi đến Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị về việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xăng dầu nhập khẩu và kiểm soát tình hình hoạt động nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu được hưởng ưu đãi về xuất xứ theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.

Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định là Nghị định 87/2010/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTC, trường hợp cơ quan hải quan đủ cơ sở để xác định chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp thì đình chỉ việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt và tính thuế theo mức thuế suất MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi), hoặc thuế suất thông thường.

Khi làm thủ tục hải quan, nếu có nghi vấn về tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ nhưng chưa đủ cơ sở để từ chối thì cơ quan hải quan tạm tính thuế theo mức thuế suất MFN, hoặc thuế suất thông thường và báo cáo về Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý) để tiến hành xác minh theo quy định.

Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận kiến nghị về xác minh C/O xăng dầu do Singapore cấp của Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh. Cơ quan Tổng cục cho biết sẽ có kế hoạch kiểm tra với các cơ quan cấp C/O liên quan để xác định các mặt hàng xăng dầu đang được hưởng mức thuế ưu đãi ATIGA có đạt được quy tắc xuất xứ ASEAN hay không, để đảm bảo không có gian lận thuế thông qua xuất xứ đối với mặt hàng xăng dầu.

Ngoài ra, để tăng cường quản lý và kiểm soát việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định tại Điều 26 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp nhập khẩu xăng dầu áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện kiểm tra việc nhập khẩu xăng dầu áp dụng C/O mẫu D, E, AK theo hướng dẫn tại công số 1992/TCHQ-TXNK ngày 12.3.2015 của Tổng cục Hải quan.

Cũng tại văn bản này, liên quan đến kiến nghị Bộ Tài chính tăng mức thuế xăng dầu nhập khẩu bằng với mức thuế áp dụng từ đầu năm 2015 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan cho rằng kiến nghị này không phù hợp.

Lý do là Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 165/2014/TT-BTC ngày 14.11.2014, trong đó quy định thuế suất thuế thuế nhập khẩu xăng dầu nhập khẩu từ các nước ASEAN để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018.

Mặt khác, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.5.2015.

Theo đó, đã điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, mỡ nhờn, cụ thể như sau: Xăng (trừ etanol): tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay: tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; dầu diezel: tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn: tăng từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam