Quản lý rủi ro ngoại hối trong hoạt động cho vay lại

10:44 | 07/05/2015 Print
Đó là chủ đề chính của hội thảo do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức, trong hai ngày 6 và 7/5/2015.

quản lý nợ công

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khánh Huyền

Nhiều rủi ro

Tại hội thảo, các đại biểu đã bàn về việc hỗ trợ để cải thiện khả năng quản lý của Chính phủ đối với các hoạt động cho vay lại; đồng thời nâng cao năng lực định giá rủi ro ngoại tệ trong hoạt động cho vay lại bằng đồng nội tệ.

Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Trương Hùng Long cho biết, WB hiện là nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam, hiện có 143 các khoản vay từ WB, chiếm 32% tổng nợ công của Việt Nam. Bên cạnh những hỗ trợ về vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, WB hỗ trợ lớn cho Bộ Tài chính về nâng cao năng lực nền kinh tế, cũng như hỗ trợ kỹ thuật trong công tác quản lý nợ.

"Vấn đề tỷ giá ngoại tệ đang rất nóng bỏng hiện nay. Trong bối cảnh các khoản vay nước ngoài của Việt Nam bằng rất nhiều đồng tiền khác nhau (USD, EURO, YEN,…) nhưng tổng tiền cho vay lại chiếm khoảng 35% tổng số các dự án. Số tiền cho vay lại có thể bằng ngoại tệ, hoặc bằng tiền Việt Nam"- ông Long nói.

Thông thường, các khoản vay nước ngoài cho vay lại để đầu tư đều là khoản vay dài hạn. Trong khi đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam lại áp dụng tỷ giá chủ yếu bằng tiền USD. Chính vì vậy có nhiều vấn đề đang đặt ra cho phương pháp tính tỷ giá, để đảm bảo tránh rủi ro cho từng dự án.

“Tôi mong muốn trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, chúng ta có thể nhìn được tổng quan về tỷ giá bằng cách xác định rủi ro về tỷ giá; giảm thiểu tối đa những rủi ro, đồng thời tạo điều kiện linh hoạt, thuận lợi nhất cho các dự án cũng như hoạt động nền kinh tế. Qua đó, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định tỷ giá đối với các khoản vay”- ông Trương Hùng Long nói.

Tại sao cần phải đo lường và định giá rủi ro?

Để trả lời cho câu hỏi này, đại diện Bộ Tài chính đưa ra bốn lý do: Thứ nhất, người thụ hưởng trong hoạt động cho vay lại của Chính phủ (như các chính quyền địa phương) không có đủ thẩm quyền hoặc cơ chế để quản lý rủi ro ngoại hối. Rủi ro được quản lý bởi cơ quan cấp cao hơn.

Thứ hai, nếu Chính phủ cho vay lại các khoản vay này bằng đồng nội tệ, bao gồm cả chi phí cho rủi ro ngoại hối, khí đó sẽ cần một phương pháp phù hợp để định giá rủi ro.

Thứ ba, một thông lệ tốt là tính toán và định giá các rủi ro để định lượng rủi ro từ đó xác định rõ ràng và quản lý các khoản nợ dự phòng lên ngân sách.

Thứ tư, giúp các bên liên quan (Chính phủ Việt Nam và những người thụ hưởng tiềm năng) xung quanh nắm rõ việc định giá các khoảng vay về cho vay lại.

Trong bài thuyết trình về mô phỏng thị trường ngoại hối và tiền tệ, bà Farah Husain- chuyên viên tài chính cao cấp - bộ phận ngân khố của WB cho rằng, khi một chủ thể tham gia thị trường có rủi ro thị trường không mong muốn hay không chịu đựng được, họ thường tìm kiếm công cụ bảo hiểm rủi ro. Việc rủi ro tỷ giá xảy ra rất thường xuyên, nhưng có rất ít hoặc không có thị trường ngoại hối phái sinh để phòng vệ rủi ro.

Việc đo lường và định giá rủi ro trước hết phải dựa trên mô hình tỷ giá truyền thống, đồng thời dựa trên phân tích định lượng về các biến động tiền tệ, qua đó cho phép phân tích lợi nhuận kỳ vọng của tiền tệ, bà Farah Husain cho biết.

Ngoài ra trong thực tiễn bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, nhiều quy định trong Nghị định 78/2010/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ không còn phù hợp.

Do vậy, phía WB sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về các phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động ngoại hối, nhằm giúp Bộ Tài chính Việt Nam có thêm thông tin để hoàn thiện khung khổ pháp lý mới trong quản lý vay nợ bền vững./.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam