TP. Hồ Chí Minh: Hai phương án để dời nhà tư ra khỏi đất công

18:04 | 06/05/2015 Print
Hai phương án này được Bộ Tài chính đề nghị với UBND TP. Hồ Chí Minh nhằm giải quyết dứt điểm việc xử lý nhà ở của các hộ gia đình trong khuôn viên trụ sở của cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.

sắp xếp nhà đất

Tới đây, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách về sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Ảnh minh họa

Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính vừa có đợt kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 27/CT- TTg của Thủ tướng về tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Và mặc dù đạt một số kết quả tích cực, nhưng công tác này hiện vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Đã kiểm tra 30 bộ, ngành và 10 tập đoàn, tổng công ty

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 1/2015, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với 2.353 cơ sở nhà đất của 47/71 bộ, ngành, tổ chức, 17/19 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM).

Qua rà soát, đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính đã kiểm tra việc thực hiện phương án đối với 1.542 cơ sở nhà, đất của 30/47 bộ, ngành, tổ chức và 10/17 TĐ, TCT thuộc trung ương đã được phê duyệt phương án trên địa bàn này.

Cục Quản lý công sản cho biết, về cơ bản các phương án phê duyệt đã được các bộ, ngành, TĐ, TCT triển khai thực hiện. Qua đó, việc sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của các đơn vị trên địa bàn TP. HCM thời gian qua, đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, thông qua sắp xếp lại, quỹ nhà đất dôi dư đã được khai thác, đưa vào sử dụng hoặc bán tạo vốn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh; đảm bảo thực hiện quy hoạch thành phố, cải tạo, chỉnh trang đô thị, môi trường của TP. HCM.

Tính đến tháng 1/2015, các bộ, ngành, tổ chức, TĐ, TCT đã hoàn thành việc thực hiện phương án xử lý đối với 777/1.542 cơ sở (đạt 50,4%), đang triển khai thực hiện phương án xử lý ở các mức độ khác nhau đối với 649/1.542 cơ sở (chiếm 42,1 %); chưa triển khai phương án đối với 116/1.542 cơ sở (chiếm 7,5%).

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra cũng vẫn còn một số ít bộ, ngành, TĐ, TCT chưa tích cực triển khai thực hiện các phương án đã được phê duyệt.

Cụ thể: chưa thực hiện các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà đất; chưa thực hiện dứt điểm việc di dời các hộ gia đình đã bố trí trong khuôn viên trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh; việc cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định chưa được chấm dứt hoàn toàn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nắm được quy trình thực hiện nên chưa phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương hoặc do thiếu kinh phí để thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân.

Bên cạnh đó, một phần do chưa được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng của địa phương trong việc triển khai thực hiện các phương án đã được phê duyệt.

Phương án hỗ trợ di dời

Trên cơ sở kết quả kiểm tra và đề xuất của một số bộ, ngành, TĐ, TCT, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện chính sách về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, theo hướng toàn diện, tổng thể, phù hợp với tình hình mới.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND TP. HCM sớm công bố thông tin quy hoạch kiến trúc, phê duyệt giá khởi điểm đối với các cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đối với việc xử lý nhà ở của các hộ gia đình trong khuôn viên trụ sở của cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị, trường hợp các đơn vị đã bố trí nhà ở cho các hộ (trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án) sẽ thực hiện theo 2 phương án:

Phương án 1 (dành cho các đơn vị có cơ sở nhà, đất bán): ưu tiên sử dụng số tiền thu được để thực hiện di dời.

Phương án 2 (cho trường hợp bộ, ngành, TĐ, TCT không có cơ sở nhà, đất bán): sẽ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách; theo hướng: bán một số cơ sở nhà, đất của các bộ, ngành chưa thực hiện bán theo phương án, không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để tạo nguồn vốn hỗ trợ di dời và bố trí nhà ở tái định cư cho các hộ gia đình này.

Với trường hợp bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục bố trí nhà ở cho các hộ gia đình trong khuôn viên trụ sở (sau thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án) sẽ thực hiện xử lý theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Đối với trường hợp bộ, ngành, TĐ, TCT bố trí sử dụng nhà ở đan xen với cơ sở nhà, đất do thành phố quản lý, sẽ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối với việc cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh thu hồi giao các cơ quan, đơn vị chưa có trụ sở đang phải đi thuê; hoặc bán chuyển nhượng tạo kinh phí di dời các hộ gia đình, đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Hạnh Thảo

Hạnh Thảo

© Thời báo Tài chính Việt Nam