Cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, xử lý tài sản nhà nước

00:36 | 24/04/2015 Print
(TBTCVN) - Trong 20 năm xây dựng và phát triển, sự trưởng thành của Cục Quản lý công sản (QLCS) gắn liền với sự chuyển mình mạnh mẽ và có nhiều bước đột phá trong công tác quản lý tài sản (TS) công, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Khi mới thành lập, từ chỗ chỉ có 6 cán bộ, đến nay, cơ cấu tổ chức của Cục QLCS đã hoàn thiện với 4 phòng nghiệp vụ, 1 Văn phòng Cục và 1 Trung tâm thông tin tư vấn, dịch vụ về TS và bất động sản, tổng số cán bộ công chức, viên chức đã lên tới 74 người, đều có trình độ đại học và trên đại học. Cùng với đó là hệ thống cơ quan chuyên môn về quản lý TS công tại 61 các bộ, ngành và địa phương trong cả nước.

Suốt 20 năm qua, các cán bộ làm công tác quản lý TSNN luôn cố gắng phát huy hết khả năng và luôn kiên định, vững vàng để đưa TSNN vào quản lý, sử dụng khai thác đúng đối tượng, mục đích mang lại hiệu quả cao cho xã hội.

Nếu như trong giai đoạn 1995 - 2005, công tác quản lý công sản chủ yếu tập trung vào việc rà soát, nắm cho chắc số lượng TSNN và xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo TSNN được quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thì giai đoạn 2005 - 2015 là giai đoạn của khai thác nguồn lực tài chính từ TS công. Việc khai thác nguồn lực này đã được triển khai thực hiện đối với những TS có khối lượng và giá trị lớn: nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; kết cấu hạ tầng giao thông; đất đai và tài nguyên thiên nhiên; TS tịch thu và TS xác lập sở hữu nhà nước…

Đặc biệt, trong những năm gần đây, số thu từ đất đã tăng lên rất nhiều. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2015, sốthu này đã có tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ các năm trước đây.

Cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, xử lý tài sản nhà nước
Suốt 20 năm qua, các cán bộ làm công tác quản lý TSNN luôn cố gắng phát huy hết khả năng và luôn kiên định, vững vàng để đưa TSNN vào quản lý, sử dụng khai thác đúng đối tượng, mục đích mang lại hiệu quả cao cho xã hội. Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng

Có được kết quả này, ngoài nguyên nhân khách quan do thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, nguyên nhân chủ quan chính là việc Chính phủ ban hành Nghị định về thu tiền sử dụng đất, Nghị định về tiền thuê đất và Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn. Trong đó, việc xác định thu, nộp đã được cải cách theo hướng đơn giản hóa hơn nhiều so với trước đây.

Không riêng về đất đai, 5 mảng công việc chính còn lại của Cục cũng đều được định hướng tới việc cải cách mạnh các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, xử lý TSNN....

Nhiệm vụ của Cục QLCS trong thời gian tới hết sức nặng nề cả về công tác xây dựng chính sách, chế độ, cả về công tác tổ chức quản lý TSNN. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, tập thể cán bộ công chức trong toàn Cục sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong 20 năm qua và truyền thống đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, tập trung để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao để “TS công thực sự là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế....” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng

Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng

© Thời báo Tài chính Việt Nam