Tỷ giá VND/USD: Đã đến lúc điều chỉnh hay chưa?

19:10 | 17/04/2015 Print
Trước biến động mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ quốc tế nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải điều chỉnh tỷ giá. Ngược lại, một số chuyên gia và nhà quản lý khác lại cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá tại thời điểm hiện nay phải rất cẩn trọng hoặc chưa thực sự cần thiết.

Chính sach tỷ giá

Toàn cảnh Hội thảo "Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", tổ chức ngày 15/4. Ảnh: Chi Linh

Vậy đâu sẽ là giải pháp thích hợp cho tỷ giá của Việt Nam hiện nay? Đây cũng chính là chủ đề được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo: Chính sách tỷ giá của Việt Nam giai đoạn hiện nay do Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) vừa tổ chức.

Tại sao xuất hiện xu hướng đầu cơ giá lên?

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính, trong khoảng 1 năm trở lại đây, giá trị của đồng EURO so với đồng USD đã giảm khoảng hơn 23%. Mức giảm giá của đồng Yên trong cùng giai đoạn cũng vào khoảng hơn 18%. Đáng lưu ý, những biến động mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ quốc tế đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.

Theo các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng Cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014 (chưa loại trừ yếu tố giá) chỉ tăng trưởng 13,5% trong khi con số này của năm 2013 là 15,4%. Đến quý I/2015, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đã giảm xuống còn 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá VND/USD trong khoảng 1 tháng trở lại đây đã tăng mạnh, có lúc lên đến trên 21.800 VND/USD tại thị trường tự do, và hiện vẫn neo ở sát mức trần cho phép trên thị trường chính thức.

Sự biến động của tỷ giá trong những ngày qua, theo giải thích của NHNN và một số chuyên gia, chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý. Xét trên khía cạnh nguồn cung USD, về tổng thể, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn đang thặng dư 2,8 tỷ USD trong quý I/2015 và NHNN trong 3 tháng đầu năm 2015 vẫn mua ròng ngoại tệ.

Xét về phía cầu USD, việc lạm phát thấp, lãi suất tiết kiệm thực đạt mức cao trong hơn 1 thập kỷ qua và dòng tiền gửi tiết kiệm bằng VND vẫn đang chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng cho thấy, nhu cầu nắm giữ USD đã không còn mạnh như trước đây. Các nhu cầu về ngoại tệ cho sản xuất, nhập khẩu đều được đáp ứng và các giao dịch USD cũng vẫn được thực hiện trong biên độ do NHNN quy định.

Mặc dù cách giải thích này có nhiều phần hợp lý, vẫn có một câu hỏi được đặt ra: tại sao trên thị trường lại xuất hiện xu hướng đầu cơ giá lên, trong khi nguồn cung USD không hề thiếu?

Điều chỉnh hay không điều chỉnh?

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, trong thời gian gần đây, câu hỏi “điều chỉnh hay không điều chỉnh tỷ giá?” là vấn đề được đề cập khá nhiều. Có 2 lý do chính khiến cho cuộc tranh luận về chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vẫn chưa thể ngã ngũ.

Thứ nhất, vấn đề điều chỉnh tỷ giá, suy cho cùng, là sự đánh đổi giữa các mục tiêu khác nhau và tỷ lệ đánh đổi lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của mỗi người.

Thứ hai, nhiều lập luận “ủng hộ” cũng như “chưa ủng hộ” việc điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm hiện tại chủ yếu dựa trên lý thuyết. Trong khi đó, để biết được chính sách điều chỉnh tỷ giá đang phải đánh đổi “cái gì” lấy “cái gì”, cần phải có những bằng chứng về mặt định lượng.

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Độ, thị trường dường như đang có vẻ chờ đợi một quyết định điều chỉnh tỷ giá từ phía NHNN.

“Sự chờ đợi này có thể xuất phát từ những suy luận là đồng USD đang lên giá mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực dến xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam” – Tiến sĩ Độ nói.

Theo đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chính phủ cũng sẽ quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,2% đã đề ra và khu vực xuất khẩu của nền kinh tế đang trong bối cảnh bất lợi, NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ Chính phủ đạt mục tiêu này.

Ngoài ra, khi gần đây NHNN đưa ra thông điệp rằng: “trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm”, thị trường có thể hiểu đó là một tuyên bố “mềm”, bởi NHNN đã không nói cụ thể sẽ tiếp tục ổn định mức tỷ giá hiện nay trong khoảng thời gian bao lâu, tức là vẫn có khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá trong tương lai gần. Trên quan điểm đó, thì tiến sĩ Độ cho rằng: Tỷ giá nếu điều chỉnh để hỗ trợ xuất khẩu thì điều chỉnh càng sớm càng tốt.

Đồng quan điểm trên, TS. Phạm Tiến Đạt, Học viện Ngân hàng cũng cho rằng, chính sách tỷ giá nằm trong chính sách tiền tệ, cùng với chính sách khác thì đó là một bộ phận của chính sách vĩ mô quản lí kinh tế, được sử dụng như một công cụ giúp nhằm đạt được mục tiêu ổn định giá cả. Để duy trì một mức tỷ giá nhất định và đảm bảo tác động hiệu quả đến nền kinh tế, thì cần phải có một chế độ tỷ giá và hệ thống can thiệp thích hợp.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, vấn đề điều chỉnh tỷ giá VND/USD phải được tính toán trong khả năng duy trì tính ổn định trong kinh tế vĩ mô và niềm tin của người dân với VND. Nếu biến số tổng cầu và giá nhập khẩu có thay đổi lớn thì chắc chắn không thể không can thiệp tỷ giá.

"Nếu có sự bất ổn trong tổng cầu của kinh tế Việt Nam thì còn những công cụ khác để bình ổn chứ không riêng gì kênh tỷ giá, do vậy NHNN luôn phải giám sát tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và xu hướng của thị trường tài chính thế giới để kịp thời đưa ra những quyết sách chủ động và đúng đắn”, TS Phạm Tiến Đạt nói.

Theo đó, TS. Đạt cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá cần cân nhắc rất kỹ dưới nhiều tác động khác nhau. Bởi vì trong nền kinh tế thị trường, tỷ giá nên do thị trường xác lập, nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, việc điều chỉnh tỷ giá là biện pháp hành chính, không phải là giải pháp thị trường. Hoạt động điều tiết của nhà nước cũng chỉ nên đề ra mục tiêu, có định hướng thực hiện để các chủ thể tham gia thị trường có căn cứ lên kế hoạch, tính toán cho lĩnh vực hoạt động của mình.../.

Sâm Linh

Sâm Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam