Nữ thủ kho say mê với công việc

14:54 | 16/04/2015 Print
(TBTCVN) - Sáng thứ hai hàng tuần, khi trời vừa hửng, chị Trần Thị Tâm đã tất tưởi vượt 30 cây số để đến điểm kho Đông La, Chi cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Ninh Thanh, Cục DTNN khu vực Hải Hưng.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Chẳng quản ngại đường xa, vừa đến cơ quan, chị Trần Thị Tâm đã nhanh tay vệ sinh kho từ ngoài rồi mở cửa kiểm tra và làm công tác bảo quản...

Đến cơ quan, chị bắt tay ngay vào vệ sinh kho từ ngoài, rồi mở cửa kiểm tra, xử lý nấm mốc cho hàng hóa. Bao năm qua, chị vẫn giữ niềm say mê như thế nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhập, xuất, bảo quản hàng hóa DTQG...

Cách đây một năm, chị Trần Thị Tâm nhận nhiệm vụ mới. Vẫn là công việc thủ kho nhưng không còn ở điểm kho Đồng Tâm (cách nhà 4 km) mà đến điểm kho Đông La. Đường xa, mưa nắng thì chẳng quản, nhưng đối với một phụ nữ thì chồng con sẽ ra sao(?).Thế nhưng, nghe lời ông xã động viên: “Đã là nhiệm vụ cấp trên giao phải cố gắng hoàn thành. Ở nhà, anh sẽ lo mọi việc”, chị đã yên tâm lên đường.

Với chị, công việc tuy âm thầm nhưng mình biết, đồng nghiệp- những con người cùng nghề biết với mình, đồng cảm chia sẻ và vui nhất là ngày hội tới đây- khi những con người ấy cùng nhau về tụ họp.

chị tâm dự trữ nhà nước ninh thanh

Chị Trần Thị Tâm

Công việc của chị đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn trọng. Những ngày làm bảo quản, sáng ra là chị đến điểm kho, vệ sinh bên ngoài sau đó mở kho kiểm tra một lượt xem có gì bất thường. Tiếp đó, chị tiến hành hút khí đối với những lô hàng đã đến lịch, rồi quay sang vệ sinh trần hiên, mái kho, quét cửa kho, lau lớp mặt màng PVC, nhặt cỏ phía ngoài cách hiên kho 1,5m… Hết việc với kho, chị lại tham gia cùng anh em trong đơn vị tăng gia, cuốc đất trồng rau, phục vụ bếp ăn tập thể.

Chị Trần Thị Tâm vào ngành DTQG ở tuổi 22, nay đã có 24 năm gắn bó với nghề thủ kho. Công việc hàng ngày nhọc nhằn, vất vả đó tưởng như sẽ làm chị chán nản, nhưng ngược lại nó đem lại cho chị niềm say mê. Chính từ niềm say mê đó đã nảy sinh những sáng kiến, từ những cải tiến nho nhỏ cho đến những sáng kiến hữu dụng, đem lại lợi ích to lớn cho đơn vị, cho ngành Dự trữ.

Nổi bật trong số đó là sáng kiến “Sử dụng các tấm thảm gai dải nền thay thế các tấm ba- lét bằng gỗ, trong công tác bảo quản gạo DTQG”. Ngày trước, các kho sử dụng các tấm ba- lét gỗ đặt ở đáy lô gạo, bên trong túi màng PVC bao bọc. Chị đã nhận thấy, chân các tấm ba- lét đặt trực tiếp trên mặt tấm màng PVC ở các vị trí tiếp xúc, gỗ cứng gặp màng PVC bị lão hoá nhanh, dễ bị rách, dễ bị bong đường dán. Vì thế, các sự cố thường hay xảy ra ở đáy lô gạo và rất khó khắc phục, dẫn đến hậu quả là mất đi độ kín.

Trăn trở nhiều ngày, chị mạnh dạn đề xuất sử dụng các tấm thảm gai có độ dày 0,5 cm trải ở đáy lô gạo, thay thế các tấm ba- lét gỗ. Cách làm này đã đem lại hiệu quả không ngờ: độ kín luôn đảm bảo, không bị rách ở đáy lô hàng, đồng thời hình thức lô hàng nhìn rất đẹp, tiện lợi, tiết kiệm chi phí. Nhất là, chất lượng gạo toàn lô và đáy lô hàng sau hơn 1 năm bảo quản vẫn đảm bảo, không có hiện tượng men mốc. Sáng kiến này của chị đã được áp dụng trong toàn Cục DTNN khu vực Hải Hưng.

Gặp chị Tâm vào những ngày toàn ngành DTQG đang chuẩn bị Hội nghị điển hình lần thứ IV, tôi được nghe chị kể về công việc. Tâm sự cũng nhiều, niềm vui, niềm hãnh diện không ít. Những đóng góp của chị đã được ghi nhận với những danh hiệu: Chiến sĩ thi đua ngành Tài chính và những phần cao quý… Chị bảo, công việc tuy âm thầm nhưng mình biết, đồng nghiệp- những con người cùng nghề biết với mình, đồng cảm chia sẻ và vui nhất là ngày hội tới đây- khi những con người ấy cùng nhau về tụ họp./.

Hồng Sâm

Hồng Sâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam