Chợ Tết Hà Nội xưa và nay

22:56 | 17/02/2015 Print
Theo sự chuyển động của thời gian, chợ Tết ở Hà Nội ngày nay có nhiều đổi thay. Nhưng nét tinh túy, cái hồn chợ xưa với sự cầu kỳ, tinh tế của người Hà Thành thì chẳng bao giờ mất đi…

Chợ hoa ngày tết

Người Hà Nội xuống chợ hoa trong ngày Tết

Những đổi thay…

Rõ ràng, chợ Tết Hà Nội ngày nay khác xưa nhiều lắm! Khác bởi sự hiện đại và mới mẻ về cả cơ sở vật chất lẫn số lượng, chủng loại hàng hóa. Những mái lá hay khấm khá hơn là mái ngói lô xô của chợ xưa nay đã không còn nữa, thay vào đó là những khu chợ nhiều tầng khang trang.

Một đổi thay rõ nét nữa là (trừ chợ Bưởi) các chợ ngày nay không còn họp theo phiên. Người Hà Nội không còn phải bấm ngày để đi chợ như các cụ ngày trước, mà cứ đủng đỉnh, thong dong, ngày nào cũng có thể ghé qua chợ. Nhưng có lẽ, vì tiện lợi như thế mà sự háo hức, mong chờ sắm Tết có phần "nhạt" so với ngày xưa chăng?

Đọc “Chuyện cũ Hà Nội” của nhà văn Tô Hoài thì thấy rằng, phải đến Tết ở chợ Bưởi mới có những mặt hàng như trâu, bò, ngựa (khiến cho người ngày ấy gọi là phiên chợ trâu bò). Còn các chợ như chợ Mơ, chợ Đồng Xuân,… thì có thêm hàng tranh, hàng bưởi bòng, hàng mứt, hàng khế khô tẩm mật gừng…

Ngày nay, hàng hóa ngày Tết hay ngày thường gần như đều giống nhau. Có khác chăng, các gian hàng thêm ngồn ngộn... vào những ngày cận Tết mà thôi. Mặt hàng cũng có sự thay đổi lớn, khi những dãy hàng bán lá dong gói bánh chưng hay lá chuối gói giò ngày trước được thay bằng những tấm bánh chưng, cái giò nóng hổi bày bán sẵn.

Cũng vì ngày trước, người Hà Nội giữ nguyên cái nếp quê, mỗi nhà đều đỏ lửa từ tối 27 tháng Chạp với nồi bánh chưng nghi ngút khói, hay thậm thịch với những cối giò dẻo quánh, thơm tho. Vậy nên, sớm sớm, nhà nhà hỏi nhau đã đi chợ phiên mua lá, lạt, giang gói bánh chưa…

Bây giờ, cả vùng nội thành rộng lớn với 11 quận, hiếm nhà còn luộc bánh chưng. Bởi vậy, làng Tranh Khúc (Duyên Hà- Thanh Trì) trở thành “xưởng” sản xuất bánh chưng lớn để cung cấp cho người nội thị. Những thúng bánh chưng lớn nhỏ ở chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Nghĩa Tân, chợ Đồng Xuân đều từ làng Tranh Khúc mà ra cả.

Lưu giữ thú chơi hoa

Người Hà Nội xưa - nay vẫn nức tiếng “sành ăn”, “sành chơi”, nhất là vào ngày Tết.

Ngày nay, cái tiếng “sành ăn” có phần giảm bớt, bởi người ta quen tiện dùng đồ làm sẵn, nhưng cái thú chơi hoa của người Hà thành có thể nói không hổ danh là sành điệu. Cái cốt hồn xưa của chợ Tết Hà thành chính là phục vụ cho nhu cầu “sành chơi”, với những quất, đào, mai, bưởi, cam, phát lộc, giò thủy tiên, phong lan, hồng, cúc, thược dược, violet…

Mỗi người một thú chơi, một phong cách, nhưng đều là rất cầu kì, tỉ mỉ... Cái cây quất, cành đào, giò phong lan không cần to, không cần um tùm hoành tráng, nhưng phải rất tinh tế, thanh tao, đầy đủ các tiêu chí cần có, mà phải tự nhiên, phải nói được cái cốt cách của chủ nhân.

Trước Tết một tháng, phố phường Hà Nội đã đầy hoa. Phần đông những người quá bận, mải mê công việc thì ghé vào chợ hoa vỉa hè dọc đường Láng Hạ, Nguyễn Tuân, Lạc Long Quân, Hoàng Quốc Việt…

Còn những người hoài cổ và rảnh rỗi tìm về chợ hoa Hàng Lược hay chợ Bưởi không hẳn để mua, mà đơn giản chỉ là để nhởn nha “hóng” khí xuân rộn ràng, trong cái lạnh se se. Đối với họ, cuộc sống hiện đại ồn ào náo nhiệt không làm mất đi cái thú đặc trưng của người Hà thành mỗi độ Tết đến Xuân về.

Chợ Tết chính là bức tranh muôn màu cuộc sống của người Hà Nội. Dường như, dù cuộc sống đầy những biến thiên, đầy những đổi thay đến chóng mặt đôi khi ai đó phải thảng thốt: mai một nét sinh hoạt xưa mất rồi. Nhưng rõ ràng cái hồn chợ Tết xưa với thú chơi xuân của đất Hà thành thì chưa khi nào mất đi.../.

Sâm Linh

Sâm Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam