Khóa sổ quyết toán cuối năm: Đã hết cảnh làm khuya

08:16 | 29/12/2014 Print
Đó là ghi nhận của phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam tại 2 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh trong “mùa quyết toán” 2014. Kết quả này chính từ việc triển khai thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) và phối hợp thu giữa Kho bạc nhà nước (KBNN) và hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đem lại.

Đã hết áp lực

Tại 2 địa phương phóng viên có mặt, công tác khóa sổ đang được triển khai rất khẩn trương, tuy nhiên áp lực công việc đã không còn.

KBNN Hà Tĩnh
KBNN Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị KBNN huyện phải rà soát và đối chiếu số liệu ngày từ tháng 11 chuẩn bị cho công tác khóa sổ. Ảnh: Vân Hà

Để lý giải cho việc này, ông Phan Đình Tý, Giám đốc KBNN Hà Tĩnh rất phấn khởi cho biết, đơn vị đã thực hiện phối hợp thu NSNN với cơ quan Thuế, Hải quan và các NHTM tại tất cả các đơn vị KBNN trong toàn tỉnh. Đồng thời, đã triển khai thành công hệ thống TTSPĐT tập trung với 4 hệ thống NHTM (Vietinbank, Agribank, BIDV, Vietcombank) tại các KBNN huyện, thị xã và Phòng Giao dịch thuộc KBNN tỉnh nên công tác quyết toán đã rất thuận lợi .

“Nếu như những năm trước, khi chưa có TTSPĐT, việc quyết toán cuối năm gặp vô cùng khó khăn về nguồn vốn cũng như điều hòa vốn cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách, thì sang năm nay, TTSPĐT đã giúp tập trung nhanh mọi khoản thu đảm bảo thanh toán kịp thời, chính xác các khoản chi NSNN cho đối tượng thụ hưởng”, ông Tý nói.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho công tác khóa sổ được chính xác, an toàn, đúng quy định, KBNN Hà Tĩnh đã quán triệt tới tất cả các đơn vị Kho bạc phải rà soát số liệu và đối chiếu, khớp đúng số liệu trên Tabmis (Hệ thống quản lý thông tin ngân sách và kho bạc) của các đơn vị sử dụng ngân sách ngay từ tháng 11/2014. Việc làm thêm ngày thứ 7, chủ nhật và làm thêm ngoài giờ cũng là phương án được KBNN Hà Tĩnh áp dụng nhằm tránh dồn việc vào tháng cuối năm.

Tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Tuấn Vinh, Giám đốc KBNN cũng cho biết, ngoài việc triển khai TTSPĐT, đơn vị còn tổ chức vận hành tốt hệ thống Tabmis để phục vụ giao dịch với khách hàng và giao diện với các hệ thống khác, đảm bảo kết nối thông tin phục vụ cho công tác hạch toán kế toán, thanh toán với các ngân hàng và khai thác báo cáo. Song song với đó là việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong kiểm soát chi tạo điều kiện trong giải ngân, thanh toán vốn cho các đối tượng hưởng NSNN.

KBNN Thanh Hóa
Với khối lượng giao dịch lên tới 500 chứng từ mỗi ngày nhưng các cán bộ KBNN Thanh Hóa không gặp áp lực gì trong triển khai công việc. Ảnh: Vân Hà

Cũng theo ông Vinh, chính từ việc không còn áp lực “ngồi chờ” nguồn vốn từ trung ương “rót” về như mọi năm, nên vào những ngày cuối năm này, các lãnh đạo của Kho bạc tỉnh không còn phải “lặn lội” xuống các đơn vị KBNN huyện để chỉ đạo việc điều tiết ngân sách, chỉ trừ trường hợp huyện nào có vướng mắc quá, lãnh đạo KBNN tỉnh mới phải xuống để tháo gỡ.

Chính vì thế, trong những ngày “nước rút”, khi khối lượng giao dịch lên tới 500 chứng từ mỗi ngày, trung bình số tiền lưu chuyển từ 50 tỷ đồng mỗi ngày cho đến 300 tỷ đồng vào ngày cao điểm đã không gây ra khó khăn cho các cán bộ làm công tác thanh toán...

Đặc biệt, cả 2 địa phương Thanh Hóa và Hà Tĩnh cho đến thời điểm này đã giải quyết xong tất cả các khoản chi liên quan đến an sinh xã hội, chi lương, phúc lợi cho con người. Hiện tại chỉ còn những khoản chi phát sinh vào cuối năm nhưng dự kiến cũng không nhiều.

Cảnh làm khuya sẽ dần chấm dứt

Năm 2014, công tác khóa sổ được đánh giá có nhiều điểm mới khi KBNN đã thành công với các dự án lớn, từ dự án Tabmis đến phối hợp thu NSNN và TTSPĐT. Với những lợi ích từ các dự án này mang lại cùng với việc hỗ trợ khóa sổ từ xa trên hệ thống Tabmis của KBNN trung ương đã giúp cho việc triển khai các nghiệp vụ của cán bộ kho bạc gặp nhiều thuận lợi, việc làm thêm giờ vào những ngày cuối tháng cuối năm có thể sẽ vẫn còn nhưng cảnh “làm khuya” như nhiều năm trước sẽ dần được chấm dứt.

Bằng chứng là tại các đơn vị KBNN vào những ngày này của các năm trước thường sáng đèn đến 11h-12h đêm, thậm chí đến cả 4-5h sáng, nhưng tuyệt nhiên, trong mùa quyết toán năm nay, cảnh tượng này đã không còn.

Phóng viên đã tiếp xúc với chị Lê Thị Thúy, kế toán trưởng KBNN Ngọc Lặc, Thanh Hóa, được chị cho biết, nếu như các năm trước, cơ quan Kho bạc phải căng ra để cân đối lựa chọn các món ưu tiên để chi thì sang năm nay, việc triển khai nghiệp vụ mới cùng với điện tử hóa giao dịch đã giảm sự quá tải cho các cán bộ kho bạc, đặc biệt là bộ phận kế toán, kho quỹ. Theo đó, các chứng từ thanh toán của KBNN được luân chuyển đến hệ thống ngân hàng bằng phương thức điện tử nhanh hơn đã luôn đảm bảo nhu cầu chi trả cho các cấp ngân sách.

Mới đây, trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của hệ thống KBNN, Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Hà đã đưa ra yêu cầu các đơn vị KBNN phải đẩy nhanh thời gian khoá sổ kế toán và quyết toán niên độ ngân sách sớm hơn 2 giờ so với năm 2013 (vào 22 giờ đêm 31/12/2014 thay vì 24 giờ so với năm 2013). Điều này đã không còn là áp lực đối với các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống.

Theo nhận định của lãnh đạo KBNN Hà Tĩnh và KBNN Thanh Hóa, nếu đường truyền và mạng tốt, công tác khóa sổ sẽ hoàn thành theo đúng thời gian quy định và có thể còn sớm hơn nữa. Do đó, để đảm bảo, các đơn vị KBNN đã thành lập tổ kỹ thuật trực 24/24 tại KBNN tỉnh để nhanh chóng xử lý kịp thời những vướng mắc từ các KBNN huyện./.

Hạnh Thảo

Hạnh Thảo

© Thời báo Tài chính Việt Nam