Đơn vị sự nghiệp công sẽ được hoạt động như doanh nghiệp

00:20 | 17/12/2014 Print
Đơn vị sự nghiệp công sẽ được xác định vốn điều lệ và bảo toàn vốn; được huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài đơn vị; quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định theo DN; quản lý doanh thu, chi phí và phân phối lợi nhuận…

đơn vị sự nghiệp công lập

Đơn vị sự nghiệp công lập có thể được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp. Ảnh minh họa (nguồn CPV)

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP hiện hành.

Nguồn thu cao, mức độ tự chủ càng cao

Theo tờ trình của Bộ Tài chính, việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công sẽ dựa trên mức độ tự chủ nguồn thu sự nghiệp (tính tổng thể các nguồn thu của đơn vị, bao gồm cả nguồn ngân sách Nhà nước).

Các đơn vị tự chủ cao về nguồn tài chính thì được giao quyền tự chủ tài chính cao và ngược lại. Bộ Tài chính cho biết, quy định này cũng nhằm khuyến khích các đơn vị tự chủ thấp phấn đấu tăng nguồn thu để được tự chủ cao hơn.

Theo khảo sát của Bộ Tài chính về mức độ tự chủ tài chính và tình hình tài sản tại 41 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 7 tập đoàn và 11 tổng công ty nhà nước trực thuộc các Bộ đã đánh giá các ưu điểm và hạn chế của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các đơn vị này.

Về tự chủ tài chính, có 30 đơn vị tự bù đắp chi phí. Trong đó, có 22 đơn vị có số thu lớn hơn chi, gồm: Cơ sở đào tạo, giáo dục (trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp) có 15 đơn vị; các viện có 5 đơn vị; bệnh viện có 2 đơn vị.

Có 8 đơn vị có số thu bằng chi, gồm: Cơ sở đào tạo, giáo dục (trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp) có 5 đơn vị; các viện có 2 đơn vị; bệnh viện có 1 đơn vị.

Có 8 đơn vị không tự bù đắp được chi phí, gồm: Cơ sở đào tạo, giáo dục (trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp) có 6 đơn vị; viện có 1 đơn vị; bệnh viện có 1 đơn vị.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp theo 4 mức độ: đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường thường xuyên và chi đầu tư; với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; và đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Đồng thời, để tạo điều kiện khuyến khích cho các đơn vị có đủ khả năng thực hiện chế độ tự chủ toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư; dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về quyền tự chủ trong đầu tư của đơn vị.

Theo đó, đơn vị được tự chủ trong chi đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (nếu có), Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vốn vay và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Đơn vị cũng được chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; sau khi danh mục dự án đầu tư được phê duyệt, đơn vị được quyết định dự án đầu tư.

Nhà nước có chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước; hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng trong trường hợp đơn vị có phương án hoạt động hiệu quả.

Ngân sách nhà nước tiếp tục bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư dở dang có sử dụng nguồn vốn ngân sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp

Bên cạnh các nội dung nói trên, dự thảo Nghị định cũng quy định đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (công ty trách nhiêm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

Tuy nhiên, để được vận dụng theo cơ chế như trên, đơn vị sự nghiệp công phải đáp ứng đủ các điều kiện. Cụ thể, hoạt động dịch vụ sự nghiệp công có điều kiện xã hội hóa cao, Nhà nước không cần bao cấp; giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phi (bao gồm cả trích khấu hao tài sản cố định).

Đồng thời, được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao vốn cho đơn vị quản lý theo quy định của pháp luật về quản lýs sử dụng tài sản nhà nước; hạch toán kế toán để phản ánh các hoạt động theo quy định của các chuẩn mực kế toán có liên quan áp dụng cho doanh nghiệp.

Đáp ứng đủ các điều kiện trên, đơn vị sự nghiệp công sẽ được xác định vốn điều lệ và bảo toàn vốn; được huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài đơn vị; quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định theo doanh nghiệp; quản lý doanh thu, chi phí và phân phối lợi nhuận; thực hiện chế độ kế toán, thống kê như doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính được hoạt động như doanh nghiệp là một trong những quy định theo hướng mở nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị này tiếp tục vươn lên, hoạt động có hiệu quả./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam