Công khai việc thực hiện dự toán ngân sách các cấp

08:54 | 13/10/2014 Print
Ngày 11/10/2014 tại TP Hải Dương, Viện Nghiên cứu lập pháp và Quỹ Oxfam tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả tham vấn cộng đồng và góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi)".

Ông Đỗ Việt Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) bổ sung các quy định: Các cấp ngân sách và các đơn vị sử dụng có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách; khi công khai dự toán, quyết toán và tình hình thực hiện dự toán ngân sách thì ngân sách các cấp và các đơn vị sử dụng ngân sách phải kèm theo báo cáo thuyết minh.

Công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công khai các thủ tục NSNN. Đặc biệt, để mở rộng dân chủ, dự thảo Luật NSNN còn quy định về thực hiện giám sát NSNN của cộng đồng trong lĩnh vực NSNN.

Được biết, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 16/12/2002, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004.

Qua 10 năm tổ chức thực hiện, dưới sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và nỗ lực của các Bộ ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách, Luật NSNN đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh, tăng tích lũy để thực hiện CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tạo ra khuôn khổ pháp lý về quản lý NSNN thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phân cấp quản lý NSNN về cơ bản vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Cân đối NSNN chuyển biến theo hướng tích cực, dư nợ quốc gia, dư nợ công ở mức hợp lý, nghĩa vụ trả nợ cơ bản được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết; gắn quyền hạn với trách nhiệm đã tạo được sự chuyển biến quan trọng trong công tác quản lý và điều hành NSNN ngày càng chủ động hơn, chất lượng hiệu quả từng bước được nâng lên. Công tác cải cách hành chính trong quản lý ngân sách được thực hiện công khai, minh bạch.

o
PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp,Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: H.H

Tuy nhiên, theo kết quả mà nhóm tham vấn đưa ra, các thông tin về tài chính cung cấp cho công chúng trong các quy trình ngân sách tuy cần tiếp tục được công khai, đảm bảo tính minh bạch.

Xuất phát từ thực tế, nhóm tham vấn đã đề xuất 9 khuyến nghị về tăng cường công khai, minh bạch trong các hoạt động ngân sách theo hướng đơn giản hóa nội dung, trình tự, thủ tục công khai NSNN phù hợp với đối tượng công khai và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc công khai ngân sách. Đặc biệt, tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động ngân sách thông qua việc quy định về phương thức và các biện pháp bảo đảm cụ thể./.

Huy Phong

Huy Phong

© Thời báo Tài chính Việt Nam