Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

16:47 | 23/12/2013 Print
(TBTCVN) - Việc triển khai Đề án Tái cơ cấu DNNN đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên vẫn còn chậm. Ngành Tài chính đã có một số đề xuất giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình này.

Ngành Tài chính đã có một số đề xuất giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN

Một số kết quả

Theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn (TĐ) kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước gửi về Bộ Tài chính, tính đến 31/3/2013 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.376 DN, trong đó: cổ phần hóa 3.659 DN; chuyển thành công ty TNHH 1 thành viên 1.033 DN; giao 222 DN; bán 158 DN; giải thể 313 DN; phá sản 92 DN; chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên 22 DN; các hình thức khác (sáp nhập, hợp nhất…) 877 DN.

Theo Nguyễn Duy Long– Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), về cơ bản, cơ cấu DNNN đã từng bước được sắp xếp, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà nước chỉ tập trung nắm giữ ở một số lĩnh vực như: Cung ứng các dịch vụ thiết yếu phục vụ an ninh, quốc phòng, an sinh, xã hội, các sản phẩm công ích và các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế mà các thành phần kinh tế khác chưa có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội.

Tính đến 31/3/2013, đã có hơn 170.000 lao động dôi dư được giải quyết chế độ theo các chính sách đã ban hành, với tổng số tiền hơn 5.600 tỷ đồng; bình quân là 32,7 triệu đồng/người. Trong đó, lao động dôi dư tại các DNNN thuộc địa phương quản lý chiếm 57% về số người và chiếm 52% về kinh phí chi trả.

Về tiến độ triển khai Đề án tái cơ cấu của 91 TĐ kinh tế, TCT nhà nước, ông Long cho biết, tính đến 31/10/2013, đã có 83 TĐ, TCT (không bao gồm 18 TCT thuộc Bộ Quốc phòng) xây dựng đề án tái cơ cấu; trong đó 63 DN đã được phê duyệt đề án (gồm 57 DN thuộc trung ương, 6 DN thuộc địa phương quản lý).

Ngoài ra, có 2 TĐ, TCT đã thực hiện cổ phần hoá (Nhà nước nắm cổ phần chi phối), đã được bộ chủ quản có ý kiến thông qua nội dung phương án tái cơ cấu là Tập đoàn Bảo Việt và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Vẫn còn chậm trễ

Ông Nguyễn Duy Long cũng chỉ ra và phân tích một số nguyên nhân gây chậm trễ. Cụ thể: công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thực hiện chế độ báo cáo còn chưa kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn nhắc nhở, phê bình việc chậm trễ của một số bộ, địa phương.

Công tác sắp xếp, cổ phần hóa được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên việc xây dựng, triển khai đề án sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý còn chậm trễ. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá còn chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra.

Cơ chế quản lý DNNN chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của các DN. Cụ thể: chưa phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích nên chưa rõ ràng, minh bạch; thiếu cơ chế đảm bảo cho các DNNN được giao hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia nhưng cần thiết cho nền kinh tế...

Chức năng đại diện chủ sở hữu còn phân tán, chưa phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của DNNN. Cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của các DNNN chưa có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa việc sử dụng, quản lý yếu kém vốn và tài sản nhà nước.

Giải pháp thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đồng thời đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐ kinh tế, TCT nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, ông Long cho biết, Bộ Tài chính hiện đã hoàn thiện các phương án về các giải pháp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN báo cáo Chính phủ. Cụ thể:

Một là, tổ chức quán triệt các Nghị quyết của Đảng và chủ chương, chính sách của Nhà nước như: Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 khóa IX, Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương; Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 8/11/2011 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.

Hai là, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý DNNN, cần xây dựng và ban hành Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước để xác định rõ phạm vi, đối tượng, hình thức và thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào DN, trên cơ sở đó phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước và DN trong quá trình hoạt động cũng như căn cứ pháp lý để hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan.

Ba là, hoàn thiện cơ chế chính sách về chuyển đổi, cổ phần hóa DNNN.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg.

Năm là, thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm, đồng thời bổ sung các chính sách để thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý DN.

8 đơn vị chưa báo cáo việc xây dựng đề án tái cơ cấu DN gồm 4 DN trung ương là: TCT Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (hiện đang thực hiện cổ phần hoá), TCT Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (mới thành lập), TCT Thiết bị y tế, TCT Bưu điện VN; 4 DN thuộc UBND tỉnh Bình Dương và Hà Nội.

Hồng Sâm

Hồng Sâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam