Suy giảm kinh tế làm chậm tiến độ tái cơ cấu DNNN

16:10 | 10/12/2013 Print
Nguyên nhân chính làm chậm tái cơ cấu, theo Chính phủ là suy giảm kinh tế nên hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, do đó chưa khắc phục hoặc chưa xử lý được những tồn tại về tài chính.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến nay đã có 83/91 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT), không bao gồm 18 tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng, xây dựng đề án tái cơ cấu.

Trong đó có 63 doanh nghiệp đã được phê duyệt đề án, gồm 57 doanh nghiệp thuộc Trung ương, 6 doanh nghiệp thuộc địa phương. Bên cạnh đó, tính đến tháng 9/2013, đã có 54 TĐ, TCT nhà nước đã được cấp thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhìn chung tiến độ thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi, sắp xếp DNNN, trọng tâm là các TĐ, TCT nhà nước còn chậm. Do đó Bộ Tài chính đã đề nghị cơ quan tài chính doanh nghiệp sớm hoàn thiện, trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, đề xuất các giải pháp, biện pháp đủ mạnh để đẩy nhanh công tác này.

Trước đó, trong báo cáo tình hình tài chính của DNNN được gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Chính phủ cũng nhận định, quá trình xây dựng và triển khai tái cơ cấu DNNN, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Văn phòng Chính phủ đôn đốc, nhắc nhở nhưng việc triển khai thực hiện trước và sau khi đề án tái cơ cấu được phê duyệt còn chậm.

Các TĐ,TCT đã tập trung thực hiện tái cơ cấu 3 mục tiêu. Đó là, tái cơ cấu về tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp; tái cơ cấu về tài chính; tái cơ cấu về quản trị, lao động.

Trong đó, các TĐ,TCT chủ yếu thực hiện sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành của TĐ,TCT; đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên (xây dựng và phê duyệt cổ phần hóa; sáp nhập; chuyển từ đơn vị độc lập thành đơn vị phụ thuộc).

Về tài chính, các TĐ,TCT đã từng bước xử lý những tồn tại về tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt, như: xử lý nguồn chênh lệch do thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản; xây dựng phương án đầu tư sản xuất kinh doanh cho ngành nghề kinh doanh chính, sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế, các quỹ hiện có của TĐ,TCT để tăng vốn điều lệ; thoái vốn đã đầu tư tại các công ty cổ phần không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Đặc biệt, các TĐ,TCT xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ở những lĩnh vực: chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản.

Về quản trị, lao động, các TĐ,TCT đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung các giải pháp quản trị nhân sự hiện không phù hợp, hoàn thiện quy chế quản lý nội bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp.

Nguyên nhân khiến quá trình tái cơ cấu còn chậm, Chính phủ cho rằng có nguyên nhân do các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh, các TĐ, TCT chưa tích cực, quyết liệt triển khai lộ trình tái cơ cấu hoặc chưa kịp thời báo cáo Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính làm chậm tái cơ cấu, theo Chính phủ là suy giảm kinh tế nên hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, do đó chưa khắc phục hoặc chưa xử lý được những tồn tại về tài chính. Cùng với đó, thị trường chứng khoán, bất động sản sụt giảm nên việc thoái được vốn đầu tư ngoài ngành, việc cổ phần hóa của các DN còn chậm, chưa thực hiện được, cũng ảnh ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam