Đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc: Cơ chế tài chính nào phù hợp?

14:00 | 03/10/2013 Print
Trong công văn gửi UBND tỉnh Kiên Giang tham gia ý kiến dự thảo Đề án Thành lập đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung ương, quan điểm của Bộ Tài chính nêu rõ, ưu tiên tạm ứng các nguồn vốn cho huyện đảo Phú Quốc theo quy định của NSNN.

Hưởng 100% các khoản thu nội địa

Việc tạm ứng NSTW thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, kiến nghị Đặc khu được tạm ứng vốn NSTW sau khi thống nhất với Bộ Tài chính là chưa phù hợp.

Riêng đối với việc đề nghị tạm ứng các nguồn tài chính khác (vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước), đề nghị thực hiện theo quy định của Luật NSNN, có thể ưu tiên tạm ứng cho huyện đảo Phú Quốc theo khả năng tồn ngân của KBNN.

Bộ Tài chính đề nghị sửa lại thành: Ưu tiên tạm ứng nguồn NSTW và các nguồn tài chính khác cho huyện đảo Phú Quốc theo quy định của Luật NSNN để đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội trên đảo Phú Quốc, địa phương có trách nhiệm bố trí NSĐP để hoàn trả theo quy định.

Tỉnh Kiên Giang đề xuất: “Trong 10 năm đầu thành lập, Đặc khu được giữ lại 100% số thu ngân sách trên địa bàn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng”, Bộ Tài chính cho hay, hiện nay việc phân cấp nguồn thu NSNN thực hiện theo quy định của Luật NSNN hiện hành, cụ thể:

Đối với các khoản thu nội địa (thu phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đảo Phú Quốc) có thể phân cấp cho huyện Phú Quốc 100%. Riêng đối với khoản thu thuế xuất nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu là khoản thu NSTW hưởng 100%.

“Việc tạo nguồn lực cho việc phát triển hạ tầng Đặc khu nếu được phê duyệt, có thể xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định thông qua cơ chế đầu tư trở lại từ nguồn thu hoạt động xuất nhập khẩu, hoặc thông qua các cơ chế đặc thù khi xây dựng Luật đơn vị hành chính đặc biệt”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Chỉnh sửa phù hợp với Luật thuế

Cơ bản thống nhất với dự thảo Đề án về cơ chế chính sách thuế, tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đề nghị sửa lại theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Luật thuế GTGT. Cụ thể:

“Hàng hóa, dịch vụ được sản xuất tiêu thụ trong Khu phi thuế quan và hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan không phải chịu thuế GTGT. Hàng hóa, dịch vụ từ nội địa Việt Nam và các khu chức năng khác trên địa bàn Phú Quốc đưa vào khu phi thuế quan được áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0% trừ các trường hợp chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn, dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản chưa qua chế biến”.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung thêm: “Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ô tô chở người dưới 24 chỗ”.

Đặc khu Phú Quốc có thẩm quyền quyết định các nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư và xây dựng tương đương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

H.TR

H.TR

© Thời báo Tài chính Việt Nam