Mua sắm tập trung: Cần có mô hình tổ chức chuyên nghiệp

08:30 | 14/09/2013 Print
Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện thí điểm mua sắm tài sản nhà nước (TSNN) theo phương thức tập trung (MSTT). Phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.

mua sắm công

Bộ Tài chính sẽ đề xuất khi trình Thủ tướng về Đề án hình thành Trung tâm đấu thầu khu vực để tổ chức thực hiện MSTT. Ảnh: Đ.T

>> Mua sắm tập trung: Vẫn còn tâm lý e ngại

* Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đặt ra nhiệm vụ “thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung”. Vậy, MSTT có những ưu thế gì so với phương thức mua sắm truyền thống, thưa ông?

- Qua kinh nghiệm của một số nước và thực tế thí điểm ở nước ta cho thấy, MSTT có nhiều ưu thế so với phương thức mua sắm phân tán. MSTT góp phần giải quyết hài hòa mục tiêu tiết kiệm chi tiêu công nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về cơ sở vật chất cho các đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Các cơ quan chức năng của nhà nước, người đứng đầu đơn vị dễ dàng kiểm tra, kiểm soát quá trình mua sắm và sử dụng tài sản của từng đơn vị vì ngay từ khi xuất hiện nhu cầu đến quá trình sử dụng đều được công khai, kiểm soát chặt chẽ. MSTT cho phép lựa chọn được nhà cung cấp với giá cả và chất lượng hàng hóa tốt nhất thông qua việc đấu thầu rộng rãi.

MSTT sẽ được xây dựng mô hình theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo cải cách hành chính

ông nguyễn tân thịnh, phó cục trưởng cục quản lý công sản

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản

Việc tập trung mua sắm vào một số ít đầu mối thay vì rất nhiều đầu mối cũng là tiền đề để giảm chi phí và nguồn nhân lực tổ chức mua sắm, thuận lợi cho việc kiểm soát hành vi tham nhũng. Chính vì vậy, MSTT được coi như công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, lãng phí như Hội nghị Trung ương 3 đã chỉ ra.

* MSTT có nhiều ưu thế như vậy, nhưng quá trình thực hiện cũng có những khó khăn, vướng mắc. Nhiều bộ, địa phương có số lượng và giá trị mua sắm lớn nhưng chưa tham gia thí điểm. Vậy nguyên nhân là gì, thưa ông?

- Đúng là MSTT có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những hạn chế của nó như: quá trình mua sắm có thể bị kéo dài, không đáp ứng kịp thời nhu cầu về tài sản của đơn vị sử dụng…

Hơn thế nữa, đây là phương thức mới trong mua sắm công ở nước ta. Do vậy, trong quá trình thực hiện thí điểm đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân của tình trạng đó là do nhận thức về MSTT chưa đầy đủ nên quá trình xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện còn có sự lúng túng, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những nhược điểm nội tại của phương thức này.

Công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa tạo ra được sự đồng thuận cao khi triển khai thực hiện. Nhiều đơn vị chưa sẵn sàng cho việc tổ chức MSTT.

Sự phối hợp giữa đơn vị được giao mua sắm với đơn vị quản lý, sử dụng tài sản chưa chặt chẽ, còn đùn đẩy trách nhiệm. Các bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư bộ máy, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện công tác mua sắm.

* Để khắc phục những tồn tại và nhanh chóng triển khai phương thức MSTT trên toàn quốc, Bộ Tài chính đã có giải pháp gì, thưa ông?

- Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, yêu cầu thắt chặt chi tiêu công gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là việc làm cấp thiết hơn lúc nào hết. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế MSTT và mở rộng phạm vi áp dụng là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia hiện nay.

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng định hướng hoàn thiện cơ chế MSTT, quan trọng nhất là đổi mới quan niệm về cách thức mua sắm này. Theo đó, MSTT không phải là tập trung việc mua sắm tài sản vào một đầu mối, sau đó cấp phát cho các đơn vị sử dụng mà trước hết là tạo ra một thiết chế để tổng hợp, rà soát nhu cầu sử dụng tài sản của các cơ quan nhà nước đảm bảo hợp lý, tiết kiệm; trên cơ sở đó lựa chọn các nhà cung cấp có chất lượng và giá cả tốt nhất làm cơ sở cho các đơn vị ký hợp đồng mua sắm.

Bước tiếp theo là quy định thống nhất danh mục chủng loại tài sản MSTT được áp dụng trong cả nước, gồm các tài sản cơ bản được sử dụng phổ biến tại các đơn vị. Đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản ký hợp đồng mua sắm với nhà cung cấp đã được lựa chọn.

Như vậy, sẽ giảm được thời gian, nhân lực, chi phí. Bộ Tài chính cũng kiến nghị xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý đối với các đơn vị không thực hiện việc MSTT theo quy định và cả đối với cơ quan được giao thực hiện.

* Trong báo cáo tổng kết tình hình thực hiện thí điểm mua sắm tập trung có chỉ ra khó khăn về mô hình tổ chức mua sắm. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về mô hình nào sẽ được áp dụng trong thời gian tới?

- Bộ Tài chính sẽ đề xuất khi trình Thủ tướng về Đề án hình thành Trung tâm đấu thầu khu vực để tổ chức thực hiện MSTT theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ. Nhưng nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng là sẽ xây dựng mô hình theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo cải cách hành chính.

* Xin cảm ơn ông!

Hạnh Thảo

Hạnh Thảo

© Thời báo Tài chính Việt Nam