Vì sao các dự án ODA chậm tiến độ?

12:47 | 03/09/2013 Print
Thiếu vốn đối ứng, chậm giải phóng mặt bằng… khiến nhiều công trình giao thông trọng điểm sử dụng vốn vay ODA đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Việc chậm trễ này không chỉ khiến các dự án phải tăng thêm chi phí đầu tư, mà còn gây nên những hệ lụy khác.

Vốn đối ứng nhỏ giọt

Trong những năm gần đây, ODA là một trong những nguồn lực hết sức quan trọng của đất nước. Đặc biệt, lĩnh vực hạ tầng giao thông luôn được ưu tiên phân bổ, sử dụng nguồn vốn này nhiều hơn hẳn các ngành nghề khác.

Hàng loạt các công trình giao thông lớn sử dụng vốn ODA đã và đang triển khai như: cầu Thanh Trì, Cần Thơ, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, đường vành đai 3 trên cao; đường Bến Lức - Long Thành…

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các dự án giao thông ODA còn chậm gây lãng phí lớn cho xã hội và nền kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân chậm trễ trong các dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới, ADB, JICA… đã thấy ngay hệ quả là hầu hết các dự án này đều phải điều chỉnh tăng vốn để đạt được mục tiêu ban đầu, hoặc phải cơ cấu lại, thu hẹp quy mô dự án để đảm bảo phù hợp với nguồn vốn được phân bổ.

Một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các dự án ODA đó là thiếu vốn đối ứng.

Vốn đối ứng tại các dự án hạ tầng giao thông phần lớn được dành cho công tác giải phóng mặt bằng, chỉ có một lượng nhỏ trong đó dành cho chi trả thuế VAT của nhà thầu.

Đường vành đai 3 (Hà Nội) - một trong những dự án sử dụng vốn ODA. Ảnh: HT

Theo Bộ Giao thông – Vận tải, vốn đối ứng không những chậm mà chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Hầu hết các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn ODA đều lâm vào cảnh vốn xây lắp được các nhà tài trợ luôn đáp ứng đầy đủ, nhưng vốn đối ứng thì nhỏ giọt. Chủ đầu tư luôn phải chờ đợi vốn đối ứng để chi trả GPMB cho người dân, như tại dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây…

Theo kế hoạch phân bổ vốn, trong 5 năm tới vốn trái phiếu Chính phủ phân cho ngành giao thông vận tải khoảng 40.000 - 45.000 tỷ đồng, như vậy mỗi năm bình quân khoảng 11.000 tỷ đồng. Với vốn ngân sách cũng vào khoảng 40.000 tỷ đồng cho 5 năm. Dù đã được ưu tiên hơn các ngành nghề khác nhưng số vốn này được đánh giá là còn ít so với nhu cầu thực tế.

Gian nan giải phóng mặt bằng

Chuyện giải phóng mặt bằng đã trở thành nỗi khổ sở của các dự án giao thông nói chung và dự án ODA nói riêng.

Đại diện của Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, thiếu vốn đối ứng, nhiều dự án chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng giữa Việt Nam và các nhà tài trợ không thống nhất… là những lý do chủ yếu khiến công tác giải phóng mặt bằng của các dự án ODA kéo dài.

Vấn đề giải phóng mặt bằng càng phức tạp hơn đối với các dự án ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

Gói thầu số 3 dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội) phải lùi tiến độ hơn 2 năm vì không có mặt bằng thi công, đồng nghĩa với việc 50% khối lượng công việc đã hoàn thành với số vốn đầu tư lớn phải nằm chờ để đưa vào sử dụng. Đấy là chưa kể do chậm tiến độ mà nhà thầu của dự án này đã yêu cầu bồi thường 200 tỷ đồng.

Có những dự án đi qua nhiều tỉnh đều “suôn sẻ”, nhưng về đến Hà Nội lại “tắc” vì không giải phóng được mặt bằng. Như dự án quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên, dài 62km có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, thời gian phải hoàn thành vào cuối năm nay.

Hơn 30km thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên đã được hoàn thành đúng tiến độ và bắt đầu đưa vào sử dụng từ đầu tháng 7/2013. Nhưng phần còn lại thuộc địa phận Hà Nội, mới hoàn thành được 80% khối lượng công việc vì không có mặt bằng để triển khai.

Dự án này đang đứng trước nguy cơ đội thêm chi phí nếu Hà Nội không nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng.

Tình trạng chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng còn diễn ra ở hàng loạt các dự án giao thông như: đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh, đường nối sân bay Nội Bài – Nhật Tân…

Những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đang là “nút thắt” trong việc triển khai các dự án giao thông và càng phức tạp hơn nếu dự án có quy mô lớn, liên quan đến nhiều địa phương. Nếu không có ngay những cơ chế phù hợp thì việc giải phóng mặt bằng sẽ ngày càng trở nên nan giải, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Trong bối cảnh các nước đang phát triển cũng đang cạnh tranh gay gắt để thu hút nguồn vốn ODA, tình trạng chậm tiến độ của các dự án sử dụng nguồn vốn này là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút vốn ODA trong thời gian tới của Việt Nam./.

Thu Hoài

Thu Hoài

© Thời báo Tài chính Việt Nam