Thận trọng điều chỉnh giá mặt hàng thiết yếu

11:56 | 07/08/2013 Print
Đó là kiến nghị của cơ quan quản lý giá đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu theo hướng đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động đến tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng của cả năm.

Áp lực tăng giá

Mới bước vào đầu tháng 8, mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường tiếp tục chịu sự tác động từ việc tăng giá của nhiều loại hàng hóa, trong đó có cả hàng hóa là nguyên liệu đầu vào thiết yếu.

Đầu tiên phải kể là việc tăng giá điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá bán lẻ điện tăng thêm 5% từ 1/8. Mặc dù EVN cam kết không thay đổi mức giá bán điện sinh hoạt từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp, nhưng những tác động từ tăng giá điện đến mặt bằng giá chung là không hề nhỏ.

ap luc tang gia
Nhiều yếu tố được dự báo sẽ tạo áp lực tăng giá từ nay đến cuối năm. Ảnh: Đ.T

Tiếp theo là việc tang giá gas. Từ 1/8 các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gas trong nước đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán lẻ từ 8.000 đến 8.211 đồng/bình 12 kg, tương ứng với mức tăng từ 2,06 – 2,11% so với tháng 7. Quan trọng hơn, cũng từ 1/8, giá của 712 dịch vụ y tế tại Hà Nội được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 2 lần so với mức giá đang áp dụng tại các bệnh viện công của Hà Nội…

Tại cuộc họp của Tổ Điều hành thị trường trong nước của Chính phủ tổ chức vào tuần trước, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê cho biết, việc Hà Nội điều chỉnh tăng giá viện phí sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung thêm 0,3%. Trong khi đó, việc giá điện được điều chỉnh tăng 5%, CPI của cả nước sẽ tăng thêm khoảng 0,12%. Chỉ riêng hai yếu tố này, đã làm chỉ số giá cả nước trong tháng 8 dự kiến tăng thêm 0,42%.

Chưa kể, một loạt các yếu tố khác cũng được các cơ quan quản lý dự báo sẽ có tác động đáng kể đến CPI tháng này như chuẩn bị bước vào mùa khai giảng năm học mới. Tình hình thời tiết bão lũ diễn biến phức tạp…

Cân nhắc lộ trình điều chỉnh giá mặt hàng thiết yếu

Không chỉ trong tháng 8, theo dự báo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm, mặt bằng giá thị trường có thể sẽ còn chịu tác động của một số yếu tố. Cụ thể, giá hàng hóa trên thị trường thế giới bắt đầu có xu hướng tăng đối với nhóm nhiên liệu, nhất là khi một số nước bắt đầu bước vào mùa lạnh. Trong khi, tỷ giá ngoại tệ có xu hướng tăng cũng gây sức ép lên giá hàng hóa nhập khẩu.

Trong nước, ngoài giá điện và dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục được điều hành theo lộ trình giá thị trường. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2013 – 2014, một số địa phương dự kiến chờ Nghị định sửa đổi Nghị định 49/2010/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn có địa phương có khả năng sẽ tăng học phí phổ thông, mầm non trong năm học này. Như Phú Thọ, Bắc Giang, Tiền Giang….

Cơ quan quản lý giá dự báo, 5 tháng cuối năm nếu không xảy ra những đột biến về bão lũ, dịch bệnh và chính trị thế giới ổn định, giá dầu không tăng đột biến… có thể thực hiện được mục tiêu CPI từ 6,0 đến 6,5% của năm 2013.

Nhận định này cũng trùng với dự báo của cơ quan thống kê. Ông Nguyễn Ðức Thắng cho rằng, bảy tháng đầu năm, CPI mới tăng ở mức 2,68%. Do đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay thấp hơn năm 2012 vẫn có thể thực hiện được. Song, không thể chủ quan mà phải kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, tránh nguy cơ lạm phát cao quay trở lại.

Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh đã thông báo thực hiện điều chỉnh tăng học phí năm học 2013 – 2014 từ tháng 9 tới với mức tăng gấp 3 – 4 lần. Tại Hà Nội, học phí đối với các bậc mầm non và phổ thông giữ nguyên so với năm học trước, nhưng đối với giáo dục nghề nghiệp, mức trần sẽ tăng lên.

Ngoài ra những tháng cuối năm, có nhiều yếu tố thuận lợi giúp tăng trưởng tổng cầu và sức mua như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu, các giải pháp khuyến khích đầu tư toàn xã hội, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế... tiếp tục thực hiện cũng sẽ khiến làm tăng chỉ số giá tiêu dùng cuối năm.

Để hoàn thành mục tiêu kiểm soát CPI cả năm 2013, cơ quan quản lý giá kiến nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai có hiệu quả Luật Giá và văn bản hướng dẫn liên quan. Đồng thời tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, về đăng ký, kê khai giá, nhất là các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cục Quản lý giá cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo lộ trình, thời gian, mức độ tăng học phí, viện phí nếu có đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động đến tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2013.

Đối với giá các mặt hàng xăng dầu, than bán cho sản xuất điện, giá điện, Cục Quản lý giá cho biết sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo hướng không bao cấp đối với giá than và không giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng dầu. Kết hợp cân nhắc lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu NSNN.

Giá một số loại dịch vụ công khác, điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí trong giá phù hợp với chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện cho các đơn vị cung ứng dịch vụ công thực hiện hạch toán kinh tế, tự chủ trong kinh doanh.

Đối với các loại dịch vụ công còn được chi từ nguồn NSNN, thực hiện theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất thực hiện theo giá do Nhà nước quy định bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam