Quy định mức trần phí dịch vụ xuất khẩu lao động

10:29 | 04/08/2021 Print
Để minh bạch thị trường, hướng lợi ích tốt nhất đến người lao động, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất mức trần phí dịch vụ xuất khẩu lao động đối với từng thị trường.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo quy định tại dự thảo, tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp (DN) dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và từ người lao động (NLĐ) để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý NLĐ trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Tại thị trường Nhật Bản, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sẽ không thu tiền đối với thực tập sinh kỹ năng 3 (trường hợp không có sự thay đổi DN dịch vụ và tổ chức quản lý) và lao động kỹ năng đặc định (trường hợp đã hoàn thành chương trình Thực tập sinh kỹ năng 2 hoặc Thực tập sinh kỹ năng 3). Đối với lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định thì mức trần tiền dịch vụ thu từ NLĐ là 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.

Đối với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mức trần tiền dịch vụ đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với khán hộ công (chăm sóc người già) gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.

Lao động làm việc tại gia đình ở các thị trường Malaysia và các nước khu vực Trung Đông không phải đóng tiền dịch vụ.

Về khoản thù lao theo hợp đồng môi giới, dự thảo quy định: thù lao theo hợp đồng môi giới là khoản tiền do hai bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng nhưng không vượt quá mức trần. Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1/2 mức trần tiền dịch vụ quy định. Dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH cũng quy định mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới tại một số thị trường, ngành nghề.

Cụ thể, đối với mọi ngành nghề tại thị trường Nhật Bản và Thái Lan; thực tập viên trên tàu cá xa bờ tại Hàn Quốc; lao động làm việc tại gia đình ở Malaysia, Brunei, các nước khu vực Trung Đông thì không thu thù lao theo hợp đồng môi giới.

Tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với khán hộ công gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 0,5 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu hàng thì không thu thù lao theo hợp đồng môi giới.

Đối với thị trường Macau, các nước khu vực châu Âu, Australia, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới của mọi ngành, nghề là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam