Quảng Ninh: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 4 trong khu vực phía Bắc

11:31 | 28/06/2021 Print
Quảng Ninh là một trong số các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng 8,02%.

Boc xep hang hoa tai cang của cong ty kho van va cang CP

Quảng Ninh kiên quyết giữ vững tăng trưởng kinh tế trong dịch Covid-19

Tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh

Mặc dù chịu những tác động trực tiếp từ dịch bệnh, song trong 6 tháng đầu năm 2021 tất cả các khu vực kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đều duy trì tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,02%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,64%, khu vực dịch vụ tăng 7%. Sở dĩ trong 6 tháng đầu năm 2021, Quảng Ninh có mức tăng trưởng kinh tế xếp ở vị trí thứ 4 so với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, chính bởi sự bứt phá của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng ở 2 con số, tăng 38,95%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 22.868 tỷ đồng, bằng 45% dự toán. Tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là 18.200, với số vốn đăng ký 190.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn thu hút được số lượng lớn nguồn vốn ngoài ngân sách. Tổng vốn ngoài ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 269.497 tỷ đồng, gấp 5 lần kịch bản đề ra. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 21 dự án có vốn đăng ký là 27.401 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 28 dự án, với tổng vốn đăng ký là 242.546 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu như: dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam; dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; dự án nhà máy sản xuất công cụ y khoa tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà…

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã bảo đảm giữ vững vị trí đứng đầu toàn quốc trong bảng xếp hạng 4 chỉ số là PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS.

PCI Quang Ninh 2020
Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI 4 năm liền

Để giữ cho tỉnh “An toàn - Ổn định - Phát triển”, chính quyền Quảng Ninh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”; tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; “lấy người dân, người lao động làm trung tâm, là chủ thể chính trong phòng, chống dịch”. 6 tháng đầu năm 2021, trong đợt dịch thứ 3, là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 đứng thứ 2 trong cả nước, song chỉ sau hơn 1 tuần, Quảng Ninh đã nhanh chóng cô lập, “khóa chặt”, dập tắt ngay các ổ dịch, hoàn toàn kiểm soát tình hình.

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trong nước, các địa phương giáp ranh với tỉnh, các ca bệnh tăng từng ngày và nhiều trường hợp mất dấu F0, nhưng tỉnh Quảng Ninh kiên cường trụ vững, tính đến ngày 23/6, Quảng Ninh đã trải qua 47 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Đối với 2 ca dương tính Covid-19 được phát hiện ngày 24/6 trên địa bàn đã được tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng khoanh vùng, thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Chỉ sau 1 ngày, tất cả các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung theo quy định và có kết quả xét nghiệm âm tính, qua đó, góp phần “dập dịch” nhanh nhất, sớm nhất và hiệu quả nhất.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, những khó khăn đối với các doanh nghiệp là không tránh khỏi. Để đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép”, cùng với công tác phòng, chống dịch, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là cấp bách, cần kíp và ưu tiên hàng đầu của Quảng Ninh.

Tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Khóa XIV ngày 18/6, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 316/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Trong đó, thống nhất miễn phí 100% vé tham quan Vịnh Hạ Long, Yên Tử và Bảo tàng Quảng Ninh đến hết năm 2021 thay cho việc chỉ miễn phí 100% vé tham quan tại các điểm du lịch trên vào các ngày lễ, tết trước đây. Điều này góp phần gỡ khó cho các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch.

Bao tang QN mien phi 100% ve tham quan cho du khach
Bảo tàng QN thực hiện miễn phí 100% vé tham quan cho du khách

Nhằm phát huy vai trò trụ cột khu vực công nghiệp - xây dựng trong tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện tốt nhất ngành than đạt mức tối đa sản lượng khai thác, tiêu thụ, xuất – nhập khẩu đảm bảo hoàn thành mục tiêu sản xuất trên 45,5 triệu tấn than trong năm 2021; kiến nghị với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nâng công suất phát điện cho các nhà máy nhiệt điện đảm bảo mục tiêu tăng trưởng; sớm khởi công dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trong quý III/2021.

Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo biến các lĩnh vực trên thực sự là động lực tăng trưởng; nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy vai trò động lực của các KCN, KKT thúc đẩy tăng trưởng GRDP; sớm hoàn chỉnh thủ tục để cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư khoảng 13 dự án tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng sẽ sớm triển khai thu hút các nhà đầu tư chiến lược về đầu tư hạ tầng cảng biển gắn với các dịch vụ hỗ trợ logistics; đẩy nhanh tiến độ xây dựng KCN cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc, Hải Hà, Vạn Ninh; nạo vét luồng sông Chanh…; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về hạ tầng, dịch vụ và logistics.

Dieu hanh san xuat tai cty nhiet dien UB
Điều hành sản xuất tại công ty nhiệt điện Uông Bí

Để tạo nền tảng cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển, tỉnh Quảng Ninh sẽ đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch theo phương châm kết hợp “làm từ trên xuống”, “làm từ dưới lên”, “làm đồng thời” như: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch khu kinh tế (KKT) ven biển Quảng Yên... Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát cụ thể từng dự án đủ điều kiện khởi công trong 6 tháng cuối năm 2021, nhất là đối với 71 dự án đầu tư ngoài ngân sách. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tháo gỡ vướng mắc cụ thể thuộc thẩm quyền về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... với từng dự án bảo đảm rõ việc, rõ thời gian giải quyết, tiến độ thực hiện và gắn trách nhiệm người đứng đầu.

Quảng Ninh cũng sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án.

Mo lo thien TKV trien khai thiet bi ha moong
Mỏ lộ thiên của TKV triển khai máy móc thiết bị hạ moong, vỉa

Năm 2021 là năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Do đó, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực “giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng”. Từ đó, xây dựng phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030.

Thế An

Thế An

© Thời báo Tài chính Việt Nam