Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa vắc-xin, kỳ vọng du lịch sớm phục hồi

18:03 | 10/06/2021 Print
Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trương triển khai xã hội hóa chương trình vắc - xin để hưởng ứng chương trình phòng chống Covid-19 của Chính phủ, tạo điều kiện sớm khôi phục ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

dl

Xã hội hóa chương trình vắc - xin để sớm khôi phục ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Ảnh: P.L

Nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xã hội hóa chương trình vắc - xin, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đã có công văn gửi các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp có liên quan đến du lịch và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố về việc xã hội hóa tiêm vắc xin Covid-19 trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch cũng kêu gọi các doanh nghiệp tích cực đóng góp vào Quỹ Vắc - xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ để đẩy nhanh hơn chương trình vắc xin của cả nước.

Sau hơn 10 ngày gửi văn bản đề nghị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của rất nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch và số lượng người đăng ký đóng góp kinh phí tiêm vắc xin phòng Covid-19 đông đảo.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình cho hay, tiêm vắc xin phòng dịch sẽ là con đường chính, quan trọng nhất hiện nay để đẩy lùi dịch Covid-19. Sự đóng góp, ủng hộ của doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh và giảm tải gánh nặng ngân sách của Nhà nước dành để tiêm phòng dịch cho toàn dân. Trên cơ sở này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Y tế đề nghị cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí để tiêm phòng vắc vin cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị du lịch và gia đình.

Về phía doanh nghiệp, nhiều đại diện doanh nghiệp đều thể hiện tinh thần chung là ủng hộ chủ trương xã hội hóa chương trình vắc xin. Đại điện của một doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội cho biết, việc tiêm phòng không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe toàn dân mà còn góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, thể hiện sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp trước lời kêu gọi của Chính phủ.

Công ty cổ phần Tập đoàn BRG hoàn toàn ủng hộ chủ trương xã hội hóa việc tiêm phòng vắc xin và cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên trong tập đoàn tham gia đóng góp kinh phí để tiêm phòng vắcxin cho 21.000 cán bộ, nhân viên của mình trên khắp các tỉnh, thành

Với 58 khách sạn (trong đó 41 khách sạn 4-5 sao) đóng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh cũng rất lo lắng cho các cán bộ, nhân viên trong hệ thống, những người trực tiếp phục vụ du khách. Tập đoàn đã đăng ký tiêm phòng có trả phí cho 10.000 nhân viên và tích cực tham gia Quỹ Vắcxin phòng, chống Covid-19.

Kỳ vọng du lịch sớm phục hồi

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO của AZA Travel chia sẻ, thực tế, trải qua nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát trước, các công ty du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã gặp rất nhiều khó khăn. Dù xác định "sống chung với dịch", nhưng người làm du lịch không khỏi buồn và nản một khi lần nữa ngành du lịch lại lao đao vì “bão” Covid-19 lại bùng phát.

Trong khi đó, ngành du lịch là ngành đầu tiên chịu thiệt hạt nặng nề do dịch Covid- 19, do đó hơn ai hết những người làm du lịch mong muốn dịch sớm kết thúc. Thực tiễn trên thế giới đã chỉ ra rằng bên cạnh giải pháp 5K thì cần phải được phổ cập vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng. Do đó, những doanh nghiệp du lịch bằng nguồn lực của mình tùy khả năng của công ty có thể tham gia đóng góp vào quỹ vắc xin.

“Việc tiêm vắc xin còn đặc biệt có ý nghĩa đối với người làm du lịch, bởi những người làm du lịch là đối tượng phải tiếp xúc với nhiều người, do đó khi được tiêm vắc xin sẽ có tác dụng được bảo vệ tốt hơn. Ngoài ra, sau khi du lịch được mở cửa nếu những đối tượng này được tiêm vắc xin sẽ làm cho du khách an tâm hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cũng có thể triển khai hộ chiếu vắc xin cho ngành du lịch. Hiện nay về vấn đề hộ chiếu vắc xin cũng có khá nhiều quan điểm chưa đồng nhất, tuy nhiên trên thế giới ví dụ như Hy Lạp cũng đã triển khai thực tế, khách nước ngoài có hộ chiếu vắc xin sẽ được đến Hy Lạp du lịch”, ông Đạt chia sẻ.

Trước đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã có những kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn mới cho doanh nghiệp như đề xuất tạm thời cho doanh nghiệp chuyển đổi từ giấy phép lữ hành quốc tế sang nội địa; cho phép chuyển mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu đồng xuống 100 triệu đồng bằng với mức quy định cho doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung những giải pháp cấp bách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung một số chính sách hỗ trợ ngành du lịch trong thời gian tới./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam