Triển khai “hộ chiếu vắc-xin”: Cần được bàn luận và giải quyết trên quy mô quốc tế

19:46 | 20/04/2021 Print
(TBTCVN) - “Hộ chiếu vắc-xin” - tài liệu kỹ thuật số giúp người dân lưu trữ, theo dõi và chứng minh sức khỏe cá nhân và việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, được kỳ vọng là công cụ hiệu quả giúp phục hồi ngành du lịch một cách nhanh chóng.

dl

Việt Nam kỳ vọng mở cửa đón khách quốc tế vào tháng 7 tới.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch.

PV: Đến thời điểm này, Tổng cục Du lịch đã xây dựng các phương án như thế nào để mở cửa đón khách quốc tế? Với việc triển khai hộ chiếu vắc-xin, Tổng cục có những kế hoạch, đề xuất và lưu ý gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Lê Phúc: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu mở lại thị trường du lịch quốc tế trong điều kiện chống dịch Covid-19, ngành du lịch đang gấp rút nghiên cứu về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế vào Việt Nam. Tổng cục Du lịch (TCDL) đã làm việc với đại diện một số bộ ngành liên quan, xây dựng phương án, tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trình Chính phủ xem xét.

phuc
Ông Nguyễn Lê Phúc

Theo phương án TCDL đề xuất, Việt Nam sẽ mở cửa từng bước thí điếm đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, thuận lợi cho khách du lịch, người lao động tham gia, phục vụ khách du lịch quốc tế. Việc mở cửa đón khách quốc tế sẽ được cân nhắc kĩ từ việc lựa chọn thị trường khách, quy trình đón khách, điểm đến an toàn cũng như lựa chọn doanh nghiệp đón khách quốc tế, dự kiến thí điểm mở cửa trở lại từ tháng 7 tới.

Thị trường khách du lịch cho giai đoạn thí điểm được đề xuất có thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga,... quyết định thí điểm này đều dựa vào tiêu chí chống dịch tốt ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, thỏa thuận song phương và chấp nhận kết quả chống dịch, tiêm vắc-xin từ hai phía. Trong giai đoạn đầu thí điểm đón khách sẽ sử dụng các chuyến bay chở khách quốc tế theo hình thức charter (thuê bao trọn gói) đảm bảo toàn bộ khách du lịch cùng đến một điểm để đảm bảo an toàn. Trong các giai đoạn tiếp theo sẽ sử dụng thêm các chuyến bay thương mại quốc tế.

TCDL sẽ chọn thí điểm tại các địa phương sẵn sàng ủng hộ chính sách mở cửa trở lại, bên cạnh đó phải đáp ứng tiêu chí du lịch hấp dẫn và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đối với sản phẩm, dự kiến sẽ thí điểm sản phẩm du lịch golf và nghỉ dưỡng biển. Đây đều là sản phẩm tương đối khép kín, phù hợp thời gian lưu trú dài ngày mà vẫn đảm bảo khách sử dụng dịch vụ ăn uống, mua sắm.

Với việc triển khai hộ chiếu vắc-xin trong kế hoạch mở cửa đón khách du lịch quốc tế, dự kiến việc tiêm vắc-xin sẽ là một trong những cơ sở để áp dụng nhập cảnh cho du khách. Những trường hợp được xem xét nhập cảnh đã được tiêm và được hệ thống của Việt Nam xác nhận là loại vắc-xin hợp pháp, tiêm bởi hệ thống cơ sở y tế đảm bảo. Hình thức, quy trình cụ thể về việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin trong hoạt động mở cửa đón khách du lịch quốc tế sẽ được Bộ VHTT&DL phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan để đưa ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

PV: Có một thực tế là tại các nước phát triển, số lượng vắc-xin có thể đáp ứng nhu cầu của người dân, tuy nhiên tại các nước đang phát triển vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm, khó mua, trong khi công dân của các nước này vẫn có nhu cầu được đi du lịch. Đây phải chăng cũng là một vấn đề khó khi triển khai hộ chiếu vắc-xin, thưa ông?

Ông Nguyễn Lê Phúc: Những chính sách kiểu hộ chiếu vắc-xin có rất nhiều tác động tích cực, trong đó tác động nổi bật nhất là giúp kiểm soát đại dịch nói chung, giảm thiểu các bệnh lây nhiễm cộng đồng và ngăn chặn sự gián đoạn kinh tế vốn chủ yếu rơi vào các nhóm yếu thế. Tuy nhiên, tình trạng phân biệt đối xử giữa những người đã tiêm vắc-xin và những người chưa có điều kiện tiêm vắc-xin là một trở ngại lớn khiến nhiều quốc gia đang cân nhắc trong việc áp dụng công cụ này. Hiện nay, vắc-xin chưa được tiếp cận ở mức độ đại chúng mà vẫn đang dành cho các đối tượng ưu tiên hoặc trong quá trình nghiên cứu. Quy mô tiêm chủng vắc-xin giữa các quốc gia cũng là khác nhau. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác cần quan tâm liên quan đến “hộ chiếu vắc-xin” như vấn đề pháp lý, tính hiệu quả của vắc-xin hay các vấn đề kỹ thuật,…

Do đó, việc triển khai “hộ chiếu vắc-xin” cần phải được cân nhắc kĩ lưỡng về thời điểm, đối tượng, hình thức áp dụng cũng như cần được bàn luận và giải quyết trên quy mô quốc tế.

PV: Việc mở cửa đón khách quốc tế nhưng vẫn phải tính đến các giải pháp phòng dịch, đảm bảo dịch bệnh được kiểm soát an toàn nhất. Vậy Tổng cục đã lên phương án cụ thể như thế nào, nhất là với bộ phận trực tiếp đón khách, thưa ông?

Ông Nguyễn Lê Phúc: Vấn đề phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người lao động là yêu cầu đầu tiên và tối quan trọng trong việc mở cửa đón khách quốc tế. TCDL đã xây dựng kế hoạch mở lại hoạt động quốc tế với những cân nhắc kĩ về việc lựa chọn thị trường gửi khách, đảm bảo các điều kiện về y tế cũng như xây dựng các điều kiện đối với khách du lịch và các đơn vị cung cấp dịch vụ (lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển khách du lịch).

Đồng thời, thiết kế một quy trình cụ thể đón khách du lịch quốc tế từ trước chuyến bay, trước khi nhập cảnh, sau khi nhập cảnh, trong quá trình vận chuyển và tại cơ sở lưu trú nhằm đảm bảo chặt chẽ các quy định về phòng chống dịch bệnh, tránh lây nhiễm chéo và có thể xử lý kịp thời trong mọi tình huống khẩn cấp. Trong đó, bộ phận trực tiếp đón khách sẽ được tập huấn và yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, được theo dõi y tế thường xuyên, cũng như tuân thủ các quy định khác của Bộ Y tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thí điểm đón khách quốc tế với lộ trình từng bước, thận trọng


Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu triển khai một cách thận trọng, thí điểm từng bước, trên cơ sở xem xét áp dụng hộ chiếu vắc-xin, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương. Cần ứng dụng công nghệ để có nền tảng số hiển thị chứng chỉ tiêm chủng. Đồng thời, phối hợp với địa phương trong việc nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế, từ đó, thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch quốc tế.

Hồng Quyên (thực hiện)

Hồng Quyên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam