Hà Nội cần 160 tỷ đồng/năm để phòng chống HIV/AIDS

21:09 | 07/05/2019 Print
Bắt đầu từ năm 2015, ngân sách TP.Hà Nội tăng chi đáng kể cho công tác phòng phòng chống HIV/AIDS và thành phố cần khoảng 160 tỷ đồng/năm, bao gồm cả viện trợ quốc tế và huy động trong nước để duy trì hoạt động này.

TS. Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đã cho biết như vậy, khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCO bên lề Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, chiều ngày 7/5/2019.

*PV: Bà đánh giá như thế nào về công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Hà Nội, đến thời điểm này?

- TS. Lã Thị Lan: Tại Hà Nội cũng như Việt Nam, trong 10 năm qua, cả 2 tiêu chí là số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS hàng năm đều giảm. Hà Nội đang tích cực triển khai hoàn thành kế hoạch phòng chống HIV, hướng tới mục tiêu mang tên 90 - 90 - 90 vào năm 2020. Cụ thể là: 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV (ARV - thuốc điều trị dùng cho những người bị HIV, làm giảm sự phát triển của virus HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS) và 90% số người được điều trị ARV có tải lượng virút dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền…

Ngoài sự hỗ trợ về tiền mặt của ngân sách thì chúng tôi xác định chiến lược lâu dài là dùng BHYT trong công tác phòng chống HIV. Hà Nội đang phấn đấu 100% bệnh nhân có thẻ BHYT để làm các xét nghiệm, theo dõi, điều trị bệnh. Người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ mua thẻ BHYT...

Bà Lan

TS.Lã Thị Lan

Để đạt kế hoạch này, chúng tôi thực hiện việc tăng cường xét nghiệm, tìm kiếm HIV và đưa vào điều trị. Đến nay, có hơn 80% xã, phường được tập huấn về xét nghiệm, đồng thời có mở rộng xét nghiệm ở nhóm cộng đồng.

Cùng với đó, chúng tôi đẩy mạnh kiểm soát tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Điều đáng mừng, năm 2018, trên 90% bệnh nhân của Hà Nội đã đạt tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế...

*PV: Trong bối cảnh giảm dần nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV sẽ ngày một tăng, để hỗ trợ cho các bệnh nhân và đảm bảo duy trì, mở rộng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, Hà Nội đầu tư nguồn lực cho hoạt động này như thế nào, thưa bà?

- TS. Lã Thị Lan: Nguồn lực chi phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Hà Nội giai đoạn 2008 - 2016 chủ yếu do các dự án tài trợ, chiếm 80,4% tổng nguồn kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn này.

Theo lộ trình đến hết năm 2018, các dự án tài trợ sẽ cắt giảm, không hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS mà dần chuyển sang hình thức hỗ trợ gián tiếp thông qua hướng dẫn, phổ biến kiến thức về kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Điều này dẫn đến khó khăn cho việc duy trì, triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Trong bối cảnh tổ chức quốc tế rút dần viện trợ, TP. Hà Nội đã đầu tư ngân sách để duy trì hoạt động phòng chống HIV/ASIDA và tổng nhu cầu của thành phố trong công tác này là khoảng 160 tỷ đồng/năm, bao gồm cả viện trợ quốc tế và huy động trong nước.

Trên cơ sở này, chúng tôi đã xây dựng đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020, với tổng kinh phí hơn 488 tỷ đồng và đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua.

Trong đề án này, dự kiến có 30% là nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế, phần còn lại chúng tôi chuyển dần sang bảo hiểm y tế (BHYT) và phần thiếu hụt thì sẽ do ngân sách thành phố bù đắp. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã đưa nhiều nội dung chi trả cho dịch vụ điều trị HIV qua BHYT và cũng tuyên truyền vận động người nhiễm HIV tăng cường mua BHYT.

Bắt đầu từ năm 2019, những bệnh nhân HIV đầu tiên của Hà Nội đã bắt đầu điều trị ARV qua BHYT và kèm theo đó là những dịch vụ khác như công khám bệnh, xét nghiệm theo dõi điều trị…thì bệnh nhân có thể sẽ sử dụng BHYT để chi trả các dịch vụ đó.

Về hỗ trợ quốc tế, năm 2019, Hà Nội có hai dự án quốc tế hỗ trợ lớn cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS là dự án Quỹ toàn cầu của Liên Hợp quốc và Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ, với mức hỗ trợ về tiền mặt gần 30 tỷ đồng.

*PV: Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm gì, thưa bà?

- TS. Lã Thị Lan: Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu là tăng cường phát hiện và hỗ trợ người nhiễm HIV trong cộng đồng để đưa vào điều trị.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, trước tiên chúng tôi phải mở rộng xét nghiệm tối đa trong cơ sở y tế và ngoài cộng đồng; tăng cường chất lượng kết nối giữa hai dịch vụ xét nghiệm và điều trị để toàn bộ người nhiễm được điều trị ngay. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế để đảm bảo bệnh nhân vào điều trị sẽ được kiểm soát tốt tải lượng vi rút HIV...

Đặc biệt, từ cuối năm 2018 và trong năm 2019, chương trình phòng chống HIV/AIDS của Hà Nội đã áp dụng các mức thưởng cho bất kỳ ai phát hiện và đưa được người nhiễm HIV vào điều trị ARV. Tùy theo nguồn hỗ trợ, các mức thưởng có thể khác nhau nhưng mức thưởng cao nhất lên tới 1,8 triệu đồng cho người phát hiện.

PV: Xin cảm ơn bà!

Năm 2019, cùng với cả nước, Hà Nội triển khai cấp thuốc ARV bằng nguồn bảo hiểm y tế tại 5 cơ sở điều trị, gồm: Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Trung tâm Y tế quận Long Biên, Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm. Hà Nội cũng đã phê duyệt kinh phí 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ cùng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam