Cần tăng chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cấp cơ sở

17:10 | 14/11/2018 Print
Ngày 14/11, Quốc hội nghe và thảo luận các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại và đề xuất hướng giải quyết.

Khiếu nại về đất đai chiếm 61,8%

Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 của Chính phủ cho biết, năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2017. Cụ thể: tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 4,7% nhưng số lượt đoàn đông người không tăng so với nãm 2017.

Về khiếu nại, so với năm 2017 tăng 3,3% số đơn và 1,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,8%).

Theo Tổng thanh tra Lê Minh Khái, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,8%), trong đó tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản,…

Về tố cáo, so với năm 2017 tăng 41,1% số đơn và 16,3% số vụ việc. Theo đó, nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.

Đánh giá của Chính phủ cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt.

Nguyễn Thanh Hải
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018. Ảnh: quochoi.vn.

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban dân nguyện đánh giá, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, địa phương có sự chuyển biến tốt hơn so với một số năm trước.

Tuy nhiên, chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm. Đặc biệt, việc tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định Luật Tiếp công dân. Do vậy, việc tiếp công dân còn chưa gắn với thẩm quyền giải quyết nên chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm.

Cũng theo báo cáo giám sát, việc đối thoại của người có thẩm quyền tại một số nơi còn hình thức, chưa được coi trọng đúng mức, việc ủy quyền đối thoại trong một số trường hợp gây bức xúc cho người khiếu nại nên khó tạo được sự đồng thuận... Chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu còn thấp, việc giải quyết lần hai của cấp tỉnh phải hủy, sửa quyết định lần đầu một số nơi có tỷ lệ cao.

Cần hoàn thiện chính sách, nhất là lĩnh vực đất đai

Phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng thuận với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, tập trung giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ khá cao, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt khá cao, trên 80%, góp phần khôi phục lại những quyền và lợi ích chính đáng cũng như lợi ích của nhà nước, tập thể. Cử tri và dư luận đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý điều hành nói chung và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu còn chỉ ra các khó khăn, tồn tại trong công tác khiếu nại, tố cáo.

Theo ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An), trên thực tế cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, tồn đọng nhiều vụ việc đông người, phức tạp kéo dài chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm.

ĐB Tô Văn Tám cũng cho biết thêm, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế, bất cập, số lượng đơn, thư vẫn gia tăng. Có nơi tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Bên cạnh một số nguyên nhân như Chính phủ nêu, ĐB Tô Văn Tám còn lưu ý thêm một nguyên nhân, đó là chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở. Một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, chính quyền chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc, thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện nên có nhiều việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Còn theo ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh), nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn tại trong khiếu nại, tố cáo có nhiều, tuy nhiên chủ yếu do nguyên nhân là cơ chế chính sách pháp luật còn có bất cập, chưa phù hợp thực tế. Công tác quản lý nhà nước còn có yếu kém nhất là lĩnh vực đất đai.

“Nhiều trường hợp khiếu nại việc bồi thường giải phóng mặt bằng đòi lại đất nhưng thiếu cơ chế chính sách giải quyết thỏa đáng. Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng để xảy ra sai phạm. Quá trình thực hiện thu hồi đất của dân còn chưa đúng quy trình thủ tục, thiếu công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng” - ĐB Bình nêu.

Do vậy, ĐB Tô Văn Tám đề nghị cần coi trọng sự đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là trong giải quyết khiếu nại nhất là về vấn đề đất đai.

ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cũng đề xuất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt tập trung vào việc sửa đổi Luật Đất đai, lĩnh vực đầu tư, xây dựng nhà ở./.

D.T

D.T

© Thời báo Tài chính Việt Nam