Tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng

11:09 | 15/06/2018 Print
Tình hình sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) tiếp tục gia tăng ở các địa phương. Ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60 - 70% trong số người nghiện. Trên 90% đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đều tái nghiện.

Ngày 15/6, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã thông tin về tình hình kết quả công tác cai nghiện ma túy 6 tháng đầu năm 2018.

Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm ma túy và người nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn. Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó: trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc; 19% người trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Đáng chú ý, tình hình sử dụng ATS tiếp tục gia tăng ở các địa phương, ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60 - 70% trong số người nghiện. Riêng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ này lên đến 70 – 85% trong số người nghiện. Còn theo nghiên cứu tại Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh cho thấy, 40% người nghiện heroin có sử dụng ATS và số này có tỷ lệ loạn thần cao gấp 9,7 lần số không sử dụng ATS.

Cũng theo Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần, loạn thần ở người sử dụng ATS chủ yếu là hoang tưởng chiếm tỷ lệ 68,2%, ảo giác là 72,7%, trầm cảm chiếm 23,8% và 15% trầm cảm trong thời gian 3 năm sau khi sử dụng ATS. Những người trầm cảm thường có hành vi tự sát gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở cai nghiện.

Đánh giá về công tác cai nghiện thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, đến nay tổng số người đang được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 34.620 học viên. Đến tháng 6/2018, cả nước còn 120 cơ sở cai nghiện.

Theo ông Lập, công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, phải kể đến nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng, để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn, các cơ sở cai nghiện được xây dựng nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa.

“Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự thống nhất về quan điểm quản lý đối với người nghiện ma túy. Có quan điểm cần phải đưa hết vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong khi Đề án đổi mới công tác cai nghiện đã được Thủ tướng phê duyệt là hướng tới chủ yếu cai nghiện tự nguyện và tại cộng đồng” - ông Lập nhấn mạnh.

Đặc biệt, nhiều địa phương không cân đối được ngân sách và không bố trí kinh phí cho công tác này, nhất là cấp huyện, xã. Ở hầu hết ở các địa phương thực hiện cai nghiện tại cộng đồng đều không có cơ sở dạy nghề để tổ chức truyền nghề, đào tạo việc làm, phục hồi và quản lý sau cai nghiện. Do đó, trên 90% đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đều tái nghiện./.

Mai Đan

Mai Đan

© Thời báo Tài chính Việt Nam