Chỉ số quản trị công nghiệp khai khoáng của Việt Nam yếu kém

17:09 | 30/01/2018 Print
66 quốc gia được đánh giá là yếu kém hoặc không thể kiểm soát được ngành công nghiệp khai khoáng. Dưới 20% trong tổng số 81 quốc gia được đánh giá đạt kết quả tốt hoặc đạt yêu cầu. Trong đó Việt Nam được xếp trong những nước có chỉ số quản trị yếu kém.

ht

Toàn cảnh hội thảo

Chỉ số quản trị tài nguyên của Việt Nam xếp thứ 48/100

Ngày 30/1/2018, Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Liên minh Khoáng sản và Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên (NRGI) tổ chức hội thảo với chủ đề “Thúc đầy quản trị hiệu quả ngành công nghiệp khai thác hướng đến sự phát triển toàn diện của Việt Nam” tại Hà Nội.

Ông Jelson Garcia, Giám đốc NRGI Thái Bình Dương cho biết, theo kết quả đánh giá của Chỉ số quản trị tài nguyên (NRGI) 2017, đa số chính phủ các quốc gia chưa quản lý, kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực dầu khí và khai thác khoáng sản. 66 quốc gia được đánh giá là hạn chế, yếu kém hoặc thất bại trong quản trị ngành công nghiệp khai thác của quốc gia. Chưa tới 20% trong tổng số 81 quốc gia được đánh giá đạt được kết quả tốt hoặc đạt yêu cầu trong quản trị ngành công nghiệp khai thác.

Kết quả đánh giá cho thấy Nauy là quốc gia đang quản lý, kiểm soát tài nguyên thiên nhiên tốt nhất. Tiếp đến là Chile, Canada, đều nằm trong danh sách các quốc gia thực thi tốt nhất. Eritrea là quốc gia được đánh giá thấp nhất trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm thất bại hoàn toàn trong việc quản lý, kiểm soát tài nguyên thiên nhiên, cùng với Turkmenistan, Libya, Sudan và Equatorial Guinea.

Theo công bố này, Chỉ số Quản trị Tài nguyên của Việt Nam xếp ở vị trí 48/100, vẫn có nhiều hạn chế, yếu kém trong quản trị khai thác khoảng sản. Trong đó chỉ số tốt nhất là môi trường thuận lợi với điểm số 59/100 và kém nhất là quản lý nguồn thu với số điểm 30/100.

Về các khía cạnh chính sách của quá trình ra quyết định, điểm thấp nhất của Việt Nam là chưa có các yêu cầu bắt buộc về công khai báo cáo tài chính của công ty nộp thuế. Sự thiếu minh bạch trong quá trình cấp phép, không công khai hợp đồng khai thác cũng dẫn đến điểm trừ về chỉ số này. Thêm vào đó, sự thiếu thông tin về sự mức độ tham gia của nhà nước và phương pháp chia sẻ lợi ích cũng góp phần làm giảm điểm trong chỉ số này.

Quản lý không tập trung, còn phân tán

Nói về chỉ số quản trị tài nguyên của Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, về mặt chính sách chúng ta có Luật Khoáng sản 2010 đã được hướng dẫn nhưng không tập trung và khá phân tán.

TS Doanh dẫn chứng, việc quản lý tài nguyên khoáng sản do bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, nhưng việc khai thác khoáng sản liên quan tới công nghiệp thì do Bộ Công thương quản lý, việc khai thác có liên quan tới hóa chất giao cho Tổng công ty hóa chất…

Bên cạnh đó, còn có nhiều bất cập trong việc quản lý khoáng sản từ trung ương tới địa phương. Theo đó các mỏ khoáng sản lớn do các Bộ cấp phép, các mỏ nhỏ giao cho các tỉnh cấp phép. Tuy nhiên, các tỉnh thường chưa làm tốt điều này dẫn tới việc quản lý nguồn thu có nhiều thiếu sót.

“Ngoài ra, việc đánh giá tác động môi trường tại các nơi khai thác khoáng sản chưa đầy đủ. Nhiều địa phương khai thác những mỏ khoáng sản nhỏ không đủ bù đắp cho chi phí đường xá và gây ô nhiễm môi trường”, TS Doanh chia sẻ.

TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia độc lập cho rằng, vấn đề nhận thức về quản lý tài nguyên khoáng sản, khai thác, xử lý môi trường là yếu nhất. Ví dụ tại Quỳ Hợp, Nghệ An, tài nguyên đá trắng với giá trị sử dụng cao, nhưng hiện nay chúng ta chỉ khai thác những tảng đá to để xuất khẩu, trong khi đó phải bỏ đi hàng núi đá trắng nhỏ, do công nghệ lạc hậu chúng ta không tận dụng được, gây lãng phí.

“Khoảng sản nếu quản trị không tốt sẽ không sửa chữa được. Không giống như nhà máy luyện gang, nếu lạc hậu có thể đập đi xây lại nhưng khai khoáng không làm được bởi đối tượng sản xuất là tài nguyên thiên nhiên, thay đổi hàng ngày hàng giờ”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp khoáng sản khai thác yếu kém, lãng phí tài nguyên, không chịu đầu tư trong quá trình khai thác là do họ e ngại về sự rủi ro chính sách. Theo khảo sát của VCCI rủi ro chính sách trong ngành khai khoáng là lớn nhất trong cách ngành. “Việc thay đổi chính sách pháp luật và thực thi pháp luật khiến doanh nghiệp ngần ngại trong việc đầu tư. Nếu doanh nghiệp đầu tư lớn, hôm sau chính sách thay đổi, phương án tài chính của doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi theo”, ông Nguyễn Minh Đức nói.

Nói về giải pháp, các diễn giả tại hội thảo cho rằng, cần tăng cường việc thực thi pháp luật và các quy định trong hoạt động khai thác, đặc biệt trong những khía cạnh mà việc thực thi đang gặp vấn đề như tuân thủ các quy định môi trường, bảo hộ quyền lợi cộng đồng địa phương và phân bổ nguồn thu từ khai thác khoáng sản./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam