Việt Nam tất thắng

09:51 | 28/07/2021 Print
(TBTCVN) - Động viên ý chí cho toàn dân, trong bài phát biểu ngay sau Lễ tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm tin về một Việt Nam tất thắng trong việc kiểm soát, đẩy lùi đại dịch Covid-19; một Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới.

ctn

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026. ảnh: TL

Nhắc đến tên gọi Hội trường Diên Hồng, nơi diễn ra Kỳ họp thứ Nhất, Diên Hồng - một sự kiện chính trị trọng đại diễn ra vào năm 1284, biểu tượng thiêng liêng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về phát huy tiếng nói, quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là trong những thời khắc có tính quyết định đối với vận mệnh đất nước, Chủ tịch nước: “xin bày tỏ niềm tin vào sức mạnh Diên Hồng của dân tộc ta, tinh thần đoàn kết vô địch của Nhân dân ta”.

Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau

Có niềm tin về một Việt Nam tất thắng, ở cương vị của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Là đại biểu Quốc hội (QH) và trên cương vị Chủ tịch nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôi sẽ nỗ lực cùng QH, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị theo sát việc thực hiện tầm nhìn, đường lối, chiến lược phát triển toàn diện đất nước, với tinh thần không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là ở những địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo...”.

Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm 2016 - 2021, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dù khó khăn hay thuận lợi, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến công nhân, nông dân, nông nghiệp, nông thôn, người nghèo, gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, và những người yếu thế trong xã hội; dành nhiều nguồn lực và chủ động xúc tiến đầu tư chiến lược (cả trong và ngoài nước) vào các ngành, các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các địa phương nghèo, địa phương ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Không chỉ dừng lại ở những chính sách hỗ trợ hiện nay, Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí, ước khoảng 24.000 tỷ đồng và sẽ sớm được báo cáo tới Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để quyết định. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ việc hoãn thực hiện Thông tư 40/TT-BTC về thuế với cá nhân kinh doanh đến ngày 1/1/2022 để tạo thêm thuận lợi cho người nộp thuế.

“Trong một nhiệm kỳ, mặc dù còn những hạn chế, bất cập nhưng chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP cùng với hơn 8 triệu việc làm (chưa bao gồm rất nhiều việc làm ở khu vực kinh tế phi chính thức)”- Chủ tịch nước khẳng định - “bảo đảm sinh kế, cơm ăn, áo mặc, y tế, giáo dục, phúc lợi cho Nhân dân, đặc biệt là người nghèo trên khắp cả nước, đã luôn là ưu tiên, trăn trở hàng đầu của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021”.

Một nhiệm kỳ mới của Chính phủ đã chính thức bắt đầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ một trong những trọng tâm điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 là chú trọng chăm lo, nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo thực chất, bền vững.

Chủ động, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”

Lo cho người nghèo càng trở nên nỗi niềm day dứt hơn khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát dữ dội đã và đang khiến cho thêm nhiều người dân đặt chân vào cảnh cơ hàn. Tỷ lệ thất nghiệp, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện lên đến 2,52%. Tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và nhiều địa phương đã phải phong tỏa, giãn cách toàn bộ hoặc từng khu vực, phải đóng cửa ở hầu hết các dịch vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của hàng chục triệu lao động.

Trước tác động của đại dịch, lĩnh vực tài chính - ngân sách gặp nhiều khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo công tác chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều giải pháp linh hoạt.

Cụ thể như, Chính phủ đã ban hành quy định về việc giảm, hoãn thuế với giá trị đạt 147.300 tỷ đồng, miễn giảm 30 loại phí, lệ phí, ban hành 17 nghị định, 50 thông tư. Trong đó có Nghị định 52/2021/NĐ-CP giảm, hoãn thuế với trị giá đến 27,5 nghìn tỷ đồng, một số Nghị định quan trọng khác mở đường cho việc thúc đẩy phát triển nguồn lực như Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định 60/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 44/2021/NĐ-CP về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19… Bộ Tài chính cũng đã cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ là 26 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 với số tiền huy động được đến nay là 8.300 tỷ đồng; chủ động chi cho mua vắc-xin là 8.187 tỷ đồng để Bộ Y tế mua 91 triệu liều vắc-xin và cũng đang trình thêm khoản chi 12.280 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã liên tục xuất cấp các loại hàng hóa để chống dịch. Trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch, Chính phủ đã tổ chức họp không kể ngày đêm để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh.

Đưa đất nước đến bến bờ thịnh vượng

Với sự tín nhiệm tuyệt đối, sáng 26/7/2021, 483/483 đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 (từ tháng 4/2021), đại biểu Quốc hội khóa XV - được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Dành lá phiếu cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) thấy, là một nhà lãnh đạo trọng dân, gần dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước tới bến bờ của sự bình an, thịnh vượng. “Trước khi làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có một nhiệm kỳ đảm nhận trọng trách Thủ tướng, ông đã thực sự thuyết phục được QH, đại biểu QH và người dân về cá tính quyết liệt cũng như ý chí phục vụ đất nước một cách tốt nhất”- bà Lan nhận định - “Với những kinh nghiệm ông đã có được, chúng ta sẽ có một Chủ tịch nước hết sức thực tế, có tầm nhìn, hết lòng vì nước, vì dân”.

Chiều cùng ngày, QH bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ QH khoá XV. Ông Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIII, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 (từ tháng 4/2021), đại biểu QH khóa XV được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với Nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly. Chính phủ quyết tâm chống dịch thành công; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Trước đó, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Nhất, ngày 20/7/2021, QH đã bầu ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch QH khóa XIV (từ tháng 3/2021) tiếp tục giữ chức Chủ tịch QH khóa XV. Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, một câu hỏi mà ông cũng như các đại biểu QH luôn đặt ra là: phải làm gì để đại diện xứng đáng cho sự cân nhắc, lựa chọn của gần 70 triệu cử tri, của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong chặng đường 5 năm tới, chặng đường đầu tiên, hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?

Người đứng đầu QH quả quyết: “dù là Chủ tịch QH hay một đại biểu QH thì đều phải luôn canh cánh trong lòng trách nhiệm cao nhất với đất nước, với Nhân dân. Phải không ngừng cầu thị, hết sức lắng nghe ý kiến của Nhân dân, gần dân, trọng dân. Bước chân vào Nghị trường là vinh dự rất lớn nhưng có hoàn thành được trọng trách của mình hay không là việc còn lớn hơn”.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam