Xây dựng nông thôn mới, cần huy động nguồn vốn lớn ngoài ngân sách

15:37 | 23/07/2021 Print
Chiều 23/7, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, vốn ngoài ngân sách dự kiến hơn 2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 83%.

vũ hồng thanh

Ông Vũ Hồng Thanh: Chính phủ làm rõ cơ sở xác định, tính khả thi của việc huy động nguồn lực cho Chương trình do yếu tố dịch bệnh tác động. Ảnh: quochoi.vn.

Ngân sách trung ương bố trí hơn 39,6 nghìn tỷ đồng

Theo tờ trình của Chính phủ, nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 bố trí tối thiểu khoảng 39.632 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng (trong đó: Vốn trong nước: 28.000 tỷ đồng; vốn vay và viện trợ không hoàn lại 88,6 triệu USD, khoảng 2.000 tỷ đồng); vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối NSTW ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chương trình.

Cụ thể, các mục tiêu và nhiệm vụ được bố trí vốn NSTW để thực hiện như sau: hỗ trợ 20% số xã để phấn đấu đạt mục tiêu lũy kế có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hỗ trợ bổ sung một phần vốn cho các xã ATK để đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025… Dự kiến số vốn đầu tư cần khoảng 29.230 tỷ đồng, với mức hỗ trợ cho các xã bằng giai đoạn 2016 – 2020.

Việc hỗ trợ một phần vốn cho khoảng 150 huyện khó khăn để phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, với số vốn dự kiến khoảng 6.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, để triển khai 6 chương trình, đề án chuyên đề trên tất cả các xã; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực, truyền thông về xây dựng nông thôn mới và một số nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương cần số vốn dự kiến khoảng 4.300 tỷ đồng…

Tổng nguồn lực huy động thực hiện giai đoạn 2021-2025, theo tờ trình của Chính phủ dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng, trong đó: vốn NSTW là 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%); vốn ngân sách địa phương khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%); vốn lồng ghép từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại và các chương trình, dự án khác là khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 9%); vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến hơn 2 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 83%).

Bố trí vốn phải tính đến nguồn thu ảnh hưởng do dịch Covid-19

Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Qua 10 năm thực hiện, chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay được thực hiện. Nhờ đó, nước ta đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện.

Đến hết năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã (62,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đề ra; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 142/2016/QH13 của Quốc hội trước 2 năm; có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Ủy ban Kinh tế cho rằng việc tiếp tục thực hiện chương trình này là cần thiết.

Cho ý kiến về cơ cấu nguồn vốn, khả năng huy động vốn, theo Ủy ban Kinh tế, giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta, dự kiến thu ngân sách nhà nước khó khăn và không có yếu tố tăng đột biến trong khi phải thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác như đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, quốc phòng, an ninh…

Do vậy, Ủy ban Kinh tế tán thành phương án bố trí vốn NSTW cho chương trình là 39.632 tỷ đồng và đề nghị trong quá trình điều hành, căn cứ điều kiện thực tế, Chính phủ tiếp tục cân đối vốn NSTW để có thể hỗ trợ thêm cho chương trình.

Về nguyên tắc phân bổ vốn NSTW, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại số liệu để bảo đảm nguồn lực NSTW được bố trí hợp lý trên cơ sở chú trọng một số nguyên tắc chính và thứ tự ưu tiên.

Theo đó, địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thì tự bảo đảm vốn từ ngân sách địa phương (NSĐP) để thực hiện. Địa phương thuộc khu vực miền núi, Tây Nguyên khó khăn thì NSTW hỗ trợ tối đa 70%. Với địa phương mà NSTW còn phải hỗ trợ trên 60% thì NSTW hỗ trợ tối đa 50%; địa phương đảm bảo ngân sách từ 60% trở lên thì NSTW hỗ trợ tối đa 30%.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các xã đạt dưới 15 tiêu chí và số vốn còn thiếu để các xã đạt trên 15 tiêu chí hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; bố trí vốn thanh toán các nội dung nợ tiêu chí; hoàn thành dứt điểm các nội dung dở dang của giai đoạn 2016-2020. Số vốn còn lại thực hiện các nội dung mới trong đó ưu tiên bố trí hoàn thành các tiêu chí về hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân, xử lý môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn.

Đối với các nguồn lực khác, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở xác định, tính khả thi của việc huy động nguồn lực do yếu tố dịch bệnh tác động đến sản xuất, kinh doanh và các xã phấn đấu đạt nông thôn mới đến năm 2025 là các xã còn nhiều khó khăn, khả năng tham gia đóng góp kinh phí khó khăn hơn./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam