Hai kịch bản, một niềm tin

09:58 | 05/07/2021 Print
(TBTCVN) - Chính phủ sẵn sàng hai kịch bản, kiên định một niềm tin nền kinh tế năm 2021, trong phong ba, vẫn sẽ cán đích thành công.

Biểu đồ: Hồng Vân

Biểu đồ: Hồng Vân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “kịch bản nào thì cũng đều phải nỗ lực rất nhiều và chúng ta thống nhất chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra”.

Nghị quyết của Quốc hội (QH) giao cho Chính phủ điều hành kinh tế năm nay GDP đạt mức tăng khoảng 6%. Chính phủ mong muốn cán đích ở con số cao hơn nên đặt ra hai kịch bản GDP. Kịch bản thứ nhất GDP tăng khoảng 6%, kịch bản thứ hai GDP tăng khoảng 6,5%. Thủ tướng nhấn mạnh: “với cả hai kịch bản đều đòi hỏi quyết tâm rất cao, cố gắng rất nhiều với các giải pháp khả thi, hiệu quả thì mới có thể đạt được”.

Áp lực lớn

Phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/7/2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, những kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm, nhất là tăng trưởng GDP, thể hiện nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Khó chồng khó

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt mức 6% như kịch bản 1 thì quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, quý IV tăng 6,5%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 tăng 6,5% như kịch bản 2 thì quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% và quý IV tăng 7,5%. Tất cả đều là những con số vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, điều kiện cần và đủ của kịch bản 1, theo cơ quan tham mưu trưởng của Chính phủ là Bộ Kế hoạch đầu tư, dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội. Ở kịch bản 2 là dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội.

Như vậy, ở cả hai kịch bản, muốn có tăng trưởng, thì đều phải không có giãn cách xã hội. Nhưng cho tới bây giờ, đã bước chân vào tháng 7 mà dịch bệnh ở đầu tàu phía Nam chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và ở nơi đang chiếm tới 22% tăng trưởng GDP của cả nước này, nhiều hoạt động vẫn đang buộc phải ngưng trệ vì chống dịch.

Trong 6 tháng đầu năm, GDP tăng trưởng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ, trong đó, nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, ước tính 57,7% dự toán năm, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, xuất khẩu tăng 28,4%, nhập khẩu tăng 36,1% và chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Tại một số địa phương vẫn duy trì được khí thế tăng trưởng ở mức hai con số, như Hải Phòng tăng 13,5%, Quảng Nam tăng 11,7%. Tại đầu tàu Hà Nội, dù phải áp dụng khá nhiều biện pháp siết lại để chống dịch vẫn đạt được mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của nước khi tăng 5,9%. TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng 5,4%, Cần Thơ 5,6%, Thừa Thiên - Huế 5,6%. Đà Nẵng thoát tăng trưởng âm và bắt đầu vươn lên mạnh mẽ với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4,9%...

Mặc dù vậy, áp lực to lớn đang đè nặng lên 6 tháng cuối năm. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 là 5,64% tuy cao hơn nhiều so với cùng kỳ nhưng thấp hơn so với dự kiến trước đó là tăng 5,8%. Đáng lưu ý là mức tăng 5,8% này cũng đã thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I năm 2021 (tăng 5,92%).

Giữ vững bản lĩnh

“Càng khó khăn, càng phải bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên, khẳng định và trưởng thành, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và học hỏi” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Theo người đứng đầu Chính phủ, mục tiêu kép đã và đang được thực hiện tốt, thời gian tới, phải kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng không máy móc, cứng nhắc mà chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ tình hình thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương ở từng thời điểm khác nhau để lựa chọn mục tiêu ưu tiên.

Chính phủ cũng đã nhìn thẳng vào những điểm yếu “chí mạng” của nền kinh tế. Đó là, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường tại một số địa phương, như TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam Bộ; tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra; khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng; giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải cao do hệ thống giao thông còn bất cập; huy động nguồn lực toàn xã hội tuy có tăng nhưng còn thấp so với dư địa và tiềm năng; nợ thuế tăng cao…

“Dự báo tình hình thời gian tới có cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen nhau, trong đó phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi”- Thủ tướng nhấn mạnh - “nhưng không được vì thế mà bi quan, lo sợ. Xác định như vậy để nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, cố gắng, quyết liệt hơn, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.

Hai nghị quyết, một mục tiêu

Chỉ trong vòng một tuần, Chính phủ liên tiếp ban hành hai nghị quyết, là Nghị quyết 63 và Nghị quyết 68, đều có chung một mục tiêu là mở đường tối đa khơi thông cho sự phát triển trở lại của nền kinh tế, hiện như dòng nước đang chảy rất chậm vì lực cản từ đại dịch.

Nghị quyết 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Nghị quyết 63 nêu rõ quyết tâm phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124 của Quốc hội và Nghị quyết số 01 của Chính phủ; tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm, trong đó đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch...

Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, được ban hành 5 ngày sau cuộc họp của Bộ Chính trị thống nhất chủ trương về việc này. Đúng theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Nghị quyết 68 đề rõ nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.

Tổng mức hỗ trợ của gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 là khoảng 26.000 tỷ đồng, với 12 chính sách hỗ trợ. Có thể kể đến một số chính sách như hỗ trợ cho lao động bị ngừng việc do phải cách ly y tế, với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người; hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ hành nghề bị tạm ngừng việc được hỗ trợ một lần với mức 3.710.000 đồng/người; trẻ em phải điều trị do mắc Covid-19 hoặc cách ly y tế ngoài việc được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em…

Từ khi có đại dịch Covid-19 đến nay, theo tổng hợp bước đầu của Chính phủ, ước tính đã chi khoảng 160 nghìn tỷ đồng cho các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động… Trong đó, riêng Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số tiền từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 13 nghìn tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ khác khoảng 39 nghìn tỷ đồng.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam