Tiếng vọng của tình thân

09:53 | 02/07/2021 Print
(TBTCVN) - 22h đêm 16/6/2021, tại sân bay Quốc tế Nội Bài, Việt Nam tiếp nhận lô vắc-xin gần 1 triệu liều của Chính phủ Nhật Bản trao tặng Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19. Trong những ngày tới, thêm 1 triệu liều vắc-xin nữa từ đất nước mặt trời mọc sẽ tiếp tục được gửi tặng Việt Nam.

Lô vắc-xin phòng, chống Covid-19 Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam

Lô vắc-xin phòng, chống Covid-19 Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam về tới sân bay Nội Bài tối 16/6/2021.

Thế giới những ngày này đang quay cuồng trong cơn khát vắc-xin, với nhiều cuộc “khẩu chiến” nổ ra, thậm chí còn đưa nhau ra tòa chỉ vì sự nhanh, chậm của vắc-xin bởi nguồn cung vắc-xin là cực kỳ khan hiếm. Việt Nam, dù còn rất thiếu, nhưng những liều vắc-xin đầu tiên Việt Nam được tặng, vẫn đều là từ tiếng vọng của tình thân, của tình sâu nghĩa nặng.

Minh chứng sâu sắc

Cuộc điện đàm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ngày 11/5/2021, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ cùng nhau làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Nhật Bản – Việt Nam hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023. Ngày 17/5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Từ những cánh thư


Ngày 27/5/2021, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cảm ơn Chủ tịch nước đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu cuối tháng 4/2021 và bày tỏ mong muốn hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác trong ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Ngày 30/5/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trao đổi về quan hệ hai nước, đặc biệt là tăng cường hợp tác trong ứng phó với đại dịch Covid-19.

Hơn một tuần sau, chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo sẽ gửi 55 triệu liều vắc-xin Covid-19 tới các quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi, đây là số vắc-xin trong tổng số 80 triệu liều vắc-xin mà Mỹ đã cam kết giúp đỡ các nước khác trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia được Mỹ gửi tặng vắc-xin.

Thực hiện kết quả của các cuộc điện đàm, không lâu sau, ngày 15/6/2021, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã chuyển thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam khoảng 1 triệu liều vắc-xin để phòng chống Covid-19, là minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản; Nhật Bản mong muốn liên kết với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Việt Nam để cùng vượt qua đại dịch Covid-19.

Đúng một ngày sau, gần 1 triệu liều vắc-xin này đã có mặt ở Việt Nam. Và 10 ngày sau đó, tại cuộc họp báo ngày 25/6/2021, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu thông báo Nhật Bản tiếp tục viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam thêm 1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19.

Ngày 21/6/2021, tại cuộc hội đàm trực tuyến cùng Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã chuyển 1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 vào ngày 16/6/2021, kịp thời hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược vaccine ở những địa bàn trọng điểm.

Đáp lại, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori cảm ơn Việt Nam đã gửi tặng khẩu trang y tế vào năm 2020 khi Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn về vật tư y tế trước dịch Covid-19. Ông Oshima Tadamori khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ vắc-xin, góp phần để Nhà nước Việt Nam sớm thực hiện được Chiến lược vắc-xin phòng Covid-19, đạt được miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Chung một mùa hoa

Vào mùa thu năm ngoái, ngay sau lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc điện đàm chiều 12/10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thông báo tại phiên họp của ban lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền về việc ông sẽ đến thăm Việt Nam từ 18 đến 20/10/2020. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga sau khi ông nhậm chức vào ngày 16/9/2020.

Người tiền nhiệm của Thủ tướng Suga, ông Abe khi được bầu làm Thủ tướng lần đầu tiên vào năm 2006 đã sang thăm Việt Nam và sau khi được bầu làm Thủ tướng lần thứ hai, tháng 1/2017, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe cũng là đến Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Abe Shinzo nói, "dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra Biển Đông, tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do".

Nhật Bản, nền kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới và nhắc đến sự thần kỳ châu Á không thể không nhắc tới sự thần kỳ Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Người dân cả hai nước hàng ngày ăn cơm bằng bát nhỏ và dùng đũa, trong lao động luôn coi trọng sự cần cù, hợp tác giúp đỡ; cởi mở, hiếu khách trong giao tiếp. Mùa xuân Việt Nam cũng có hoa đào… Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

* “Người bạn thân của tôi”


Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được Nhật Bản viện trợ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19. Hai vị Thủ tướng gần đây nhất của Nhật Bản là Thủ tướng Abe Shinzo và Thủ tướng Suga Yoshihide đều chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đến thăm ngay khi vừa nhận chức. Trong thời kỳ ông Abe Shinzo làm Thủ tướng, lần đầu tiên trong lịch sử 42 năm của Hội nghị G7 mở rộng, tháng 5/2016, khi Nhật Bản là nước chủ nhà của Hội nghị, Việt Nam được mời tham dự theo lời mời của Thủ tướng Abe Shinzo.

Những năm còn đương chức, khi hội đàm hay lúc gặp gỡ, Thủ tướng Abe Shinzo thường gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “người bạn thân của tôi” và nói, “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tôi sẽ nắm chặt tay nhau để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”.

Tháng 11/2017, dù lịch trình dầy đặc, hai Thủ tướng vẫn dành thời gian để nắm tay nhau cùng đi tản bộ trên phố cổ Hội An trong dịp Thủ tướng Abe Shinzo sang Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Abe Shinzo đi qua nhiều tuyến phố rực rỡ đèn lồng với các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân Hội An và xứ Quảng. Hai Thủ tướng cùng xem Châu Ấn thuyền, chứng kiến nghi thức mô phỏng đám cưới thương nhân Asaki Sotaro và công nữ Ngọc Hoa năm xưa, một biểu tượng cho mối quan hệ thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản bền vững suốt hơn 400 năm qua.

Hạt gạo cắn đôi

Thời đại dịch Covid- 19, càng thấm thía về tình thân. Bất chấp sự hoành hành của “giặc” virut, ngày 28, 29/6/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tới thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Thongloun Sisoulith trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cũng là lần đầu tiên kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam đón Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Lào tới thăm.


Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam và Lào luôn phát huy truyền thống chia ngọt sẻ bùi, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào một lần nữa được khẳng định bởi sự tận tình cùng nhau trong phòng chống dịch Covid-19. Chỉ 2 tuần sau khi Lào phải triển khai các biện pháp phong tỏa đối phó với làn sóng dịch lần 2, Việt Nam đã vận chuyển bằng chuyên cơ tặng Lào rất nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, đồng thời gửi tặng 500.000USD tiền mặt. Đặc biệt, Việt Nam đã cử 2 đoàn chuyên gia y tế sang công tác tại nhiều địa phương của Lào, hỗ trợ công tác khoanh vùng, truy vết, tư vấn các biện pháp phòng chống, trực tiếp điều trị một số ca bệnh nặng. Phía Lào, từ Trung ương đến địa phương, từ Nhà nước đến doanh nghiệp đều tích cực hỗ trợ Việt Nam ứng phó với Covid-19. Các bạn Lào cũng gửi tặng Việt Nam 300.000 USD.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam