Bộ Tài chính chủ động, tích cực thực thi các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế

10:36 | 25/06/2021 Print
(TBTCVN) - Thực thi các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, Bộ Tài chính đã luôn tích cực, chủ động mở rộng quan hệ sâu rộng với các đối tác song phương cũng như các đối tác trên các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế, tham gia các cam kết hội nhập quốc tế quan trọng.

8

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto đã thực hiện ký kết Hiệp định khung giữa Chính phủ Phần Lan và Chính phủ Việt Nam về các dự án được tài trợ trong khuôn khổ Chương tình đầu tư công của Phần Lan.

Thực thi nghiêm túc và có hiệu quả các cam kết hội nhập

Thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư khoá X năm 2010 về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt vai trò quan trọng trong công tác đàm phán, thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như thực hiện các chương trình hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực tài chính. Các phương án cam kết, phương án đàm phán và các hợp tác tài chính, đặc biệt là về thuế xuất - nhập khẩu Việt Nam đã được Bộ Tài chính xây dựng về thực hiện với chất lượng cao; tuân thủ quy trình xây dựng lấy ý kiến và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b8

Để triển khai cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA và các thỏa thuận thương mại đã có hiệu lực, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo các nghị định về biểu thuế xuất - nhập khẩu ưu đãi theo từng giai đoạn đối với 16 đối tác như: Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam – Chilê, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – EU, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Cuba, ASEAN – Trung Quốc, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Ngày 21/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2021/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) giai đoạn 2021 - 2022.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện công tác chuyển đổi biểu thuế phục vụ ban hành Nghị định thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các cam kết về hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong các FTA được chuyển hóa thành các kế hoạch thực hiện cụ thể và được thực hiện nghiêm túc với mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hợp pháp đồng thời đảm bảo an ninh và an toàn chuỗi cung ứng quốc tế.

Ngoài việc thực thi các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định đã ký kết thì việc tham gia nâng cấp các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết vẫn tiếp tục được triển khai. Việt Nam vẫn tích cực tham gia vào việc xây dựng các phương án đàm phán các nội dung mở rộng của hiệp định cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh trong hiệp định trong quá trình thực hiện. Đến thời điểm hiện nay Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ ngành tham gia đàm phán nội dung thuế quan, dịch vụ tài chính, quy tắc xuất xứ trong 2 hiệp định đang tiếp tục đàm phán gồm: Hiệp định Việt Nam – Khối Thương mại tự do châu Âu EFTA, Hiệp định Việt Nam – Israel.

Tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, thu hút đầu tư

Giai đoạn 2011 - 2020 là thời kỳ Việt Nam đẩy mạnh việc tận dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để phục vụ cho đầu tư phát triển đất nước, với tổng trị giá huy động vốn vay đạt trên 40 tỷ USD. Trong giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình song cũng đã tận dụng tối đa nguồn huy động vốn ODA và vay ưu đãi từ các nhà tài trợ, theo đó đã ký kết 116 hiệp định vay với các đối tác đa phương và song phương, với tổng trị giá khoảng 13 tỷ USD. Nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong những năm qua đã góp phần quan trọng cùng với vốn vay trong nước cho đầu tư phục vụ phát triển đưa nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình; đồng thời tiếp tục bổ sung, đa dạng hóa nguồn vốn vay cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước.

Về các chương trình, dự án, trong giai đoạn 2010 – 2020, Bộ Tài chính đã vận động tài trợ và tiếp nhận khoảng 1.035 triệu USD thông qua 66 chương trình, dự án có sử dụng tài trợ nước ngoài, góp phần hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ cải cách quản lý tài chính công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài, xây dựng các cơ chế tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rà soát các bất cập, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tích cực phối hợp với các bộ, ngành tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư.

Ngoài ra, Bộ Tài chính luôn chủ động tham gia các diễn đàn đa phương thúc đẩy hợp tác tài chính khu vực và đa phương, đột phá, mở rộng quan hệ với các đối tác.


Ths. Nguyễn Thị Thu Hiền Vụ HTQT, Bộ Tài chính

Ths. Nguyễn Thị Thu Hiền Vụ HTQT, Bộ Tài chính

© Thời báo Tài chính Việt Nam