Hóc búa bài toán an sinh xã hội

10:23 | 25/06/2021 Print
(TBTCVN) - Chính phủ đang ráo riết đốc thúc việc hoàn thiện nghị quyết của mình về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19. Nhưng Quốc hội vẫn thấy rất sốt ruột vì giải bài toán an sinh xã hội.

Nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Duy Linh

Nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Duy Linh

Đã một năm rưỡi trôi qua trong đại dịch, với các chính sách an sinh xã hội được cấp tập ban hành theo một tinh thần nhân văn lên cao ở mức chưa từng có, như gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mà theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội (QH), đó là lần đầu tiên trong lịch sử Nhà nước phát tiền trực tiếp cho dân.

Nhưng an sinh xã hội vẫn là bài toán cực kỳ hóc búa khi mỗi đồng tiền ngân sách phát ra, đều đòi hỏi trách nhiệm cao nhất ở các cơ quan liên quan không được để thất thoát. Để thất thoát, có thễ dễ dàng vướng vòng lao lý. Lúc này, thất thoát bị coi là tội ác. Bởi vậy, nhiều đại biểu QH đã bày tỏ sự sốt ruột khi nhắc đến việc giải ngân các gói hỗ trợ.

Nỗi sợ bao trùm

Vào tháng 4 năm ngoái, Chính phủ hối hả trình lên và Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã quyết rất nhanh gấp rút triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để kịp đến tay những người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhưng tháng năm trôi đi mà tiền hỗ trợ vẫn lẩn quẩn trong vòng “phong tỏa” của nỗi sợ, khi chính quyền các cấp ở nhiều nơi chưa nhiệt tình triển khai. Họ sợ “tội”, nếu rà soát không kỹ sẽ lập tức xảy ra kiện tụng thắc mắc vì hỗ trợ “nhầm” đối tượng. Trong khi đó, việc xác minh đúng thủ tục để hỗ trợ đúng người cũng là nỗi khó khăn lớn của chính quyền các cấp trong bởi nếu không thật cẩn thận, tỉ mỉ, về sau này khi xem xét lại các thủ tục giải ngân, không may gặp phải cảnh “tình ngay lý gian” thì họ cũng mắc tội.

Thông điệp chiều chủ nhật


Trước tình hình cấp bách của chống dịch, chiều chủ nhật 13/6/2021, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã phải ra lệnh triệu tập cuộc họp với Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội, một số cơ quan của QH để đánh giá về thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chống dịch như chống giặc thì hỗ trợ cho người dân cũng phải được xem như cứu hỏa. Cuộc họp ngay trong ngày nghỉ, mang đến thông điệp QH không muốn để chậm trễ thêm dù chỉ một ngày trong triển khai công việc này. Hơn một năm qua, QH, UBTVQH đã ban hành 9 nghị quyết, văn bản như Thông báo số 3546 ngày 9/4/2020 thông báo Kết luận của UBTVQH về phiên họp bất thường xem xét, cho ý kiến đề xuất của Chính phủ ban hành một số biện pháp, chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân gặp khó khăn; Nghị quyết số 107 ngày 10/6/2020 của QH về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp… Về phía mình, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42, Nghị quyết số 154 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19 và nhiều chính sách mang tính chất trực tiếp hoặc gián tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Thực thi các chính sách này, các cơ quan thuế trong cả nước đã gia hạn 99,2 nghìn tỷ đồng tiến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất đối với 57 nghìn hộ kinh doanh và tiền thuê đất cho 128,6 nghìn doanh nghiệp. Gia hạn 19,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2020 đối với xe ô tô.

Tất nhiên, có cả những trường hợp cố tình sai phạm. Thực tế, ngay khi triển khai, đã có những cán bộ bị xử lý. Hồi tháng 5/2020, UBND huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) đã ban hành kết luận xử lý một số lãnh đạo, cán bộ xã Yên Thọ sai phạm trong thực hiện triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tương tự ở huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) cũng phải xử lý một số cán bộ cố tình “lạc” vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để hưởng gói an sinh xã hội…

Nỗi sợ chịu kỷ luật không chỉ bao trùm trong giải bài toán an sinh xã hội mà cả trong chống dịch cũng vậy. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu lên việc mua sắm công trong phòng chống Covid-19 là rất lúng túng. “Đã phải khởi tố như CDC Hà Nội và một số nơi khác. Đương nhiên vi phạm phải xử lý rồi, nhưng vì sao lại sai phạm? Ở đó có trách nhiệm ở các cơ quan quản lý nhà nước khi không có hướng dẫn, không quy định rõ trường hợp nào cấp bách được chỉ định thầu…” - ông Huệ nói và thêm: “Kết quả là tất cả các nơi đều sợ việc mua sắm, ngay cả mua vật tư thiết bị phòng chống dịch cũng rất sợ. Bây giờ dịch giã thế này, năng lực xét nghiệm thấp, nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm, sợ sai”.

Khen thưởng kịp thời, đúng lúc

Nỗi sợ vơi bớt khi từ Chính phủ, trong hơn một tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tiếp ký các quyết định tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân. Các quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng đang tiến nhanh đến ngưỡng 3 con số. Hồi trung tuần tháng 5, Thủ tướng đã ký quyết định tặng Bằng khen cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng); nhân dân và cán bộ huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; nhân dân và cán bộ thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội… cũng được nhận Bằng khen của Thủ tướng.

Còn mới đây nhất là Quyết định 977 tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 32 cá nhân thuộc Bộ Y tế đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong 32 người đó, có nhiều người là điều dưỡng và có cả những bác sĩ đã nghỉ hưu.

Cách đây một tuần, Thủ tướng tặng cũng đã Bằng khen cho 29 tập thể, cá nhân có thành tích phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có 10 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19, góp phần ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; 2 tập thể và 3 cá nhân thuộc Công an tỉnh Hải Dương, Bộ Công an, đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân và cán bộ huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; nhân dân và cán bộ xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; nhân dân và cán bộ xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đều được nhận Bằng khen của Thủ tướng…

Kiên trì hỗ trợ


Kiên trì thực thi chủ trương hỗ trợ, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính phải được khẩn trương hoàn thiện. Thủ tướng giao Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sau khi tiếp thu ý kiến và thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ ký Tờ trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương ban hành nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hiện, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị 16 về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh

nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 và kịp thời tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch Covid-19.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam