Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn: Báo chí ngành Tài chính phải khẳng định bản sắc, bản lĩnh trong kỷ nguyên số

09:08 | 19/06/2021 Print
(TBTCVN) - Nhân dịp Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn - người phát ngôn của Bộ Tài chính, lãnh đạo phụ trách công tác báo chí, xuất bản của Bộ Tài chính, đã dành cho TBTCVN cuộc trả lời phỏng vấn.

Thời báo Tài chính Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Thuế 2020

Thời báo Tài chính Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Thuế 2020 thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Đức Minh

Bên cạnh việc đánh giá cao công tác tuyên truyền đã chủ động, sáng tạo hơn, Thứ trưởng lưu ý báo chí ngành Tài chính cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là về tư duy truyền thông, khẳng định bản sắc, bản lĩnh trong kỷ nguyên số.

TBTCVN: Thưa Thứ trưởng, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin Thứ trưởng đánh giá vài nét về những đóng góp của báo chí ngành Tài chính đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, đặc biệt là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19?

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn: Có thể khẳng định, trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí, tuyên truyền, xuất bản ngành Tài chính luôn là lực lượng chủ công, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, trở thành công cụ sắc bén giúp Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính và ngành Tài chính hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn
Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn

Các cơ quan báo chí ngành Tài chính luôn chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền; kịp thời đăng tải đầy đủ các thông tin về cơ chế chính sách tài chính được dư luận xã hội quan tâm và các hoạt động của ngành Tài chính bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả… Nhờ đó, góp phần tích cực đưa các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, chính sách, pháp luật về tài chính - ngân sách vào cuộc sống, cùng với toàn ngành Tài chính tham gia giải quyết những vấn đề phát sinh trong điều hành nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN).

Hoạt động của hệ thống báo chí, tuyên truyền, xuất bản của ngành Tài chính thời gian qua đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành của Luật Báo chí, Luật Xuất bản và pháp luật của Nhà nước. Báo chí ngành Tài chính luôn mang hơi thở cuộc sống, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức để phát triển.

Nhắc đến khó khăn, không thể không nhắc đến những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội của đất nước và báo chí cũng không là ngoại lệ. Dịch Covid-19 đã khiến báo chí gặp “khó chồng khó”. Khó không chỉ trong tác nghiệp mà còn phải xoay xở tìm lời giải cho kinh tế báo chí. Tuy vậy, tôi cho rằng, các cơ quan báo chí ngành Tài chính cùng với sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Tài chính, trong thời gian qua đã chủ động nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bối cảnh dịch Covid-19 cũng là thời điểm Bộ Tài chính phải đồng thời thực hiện rất nhiều nhiệm vụ phát sinh, bên cạnh khối lượng rất lớn hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong chương trình. Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ đầu năm tính đến ngày 4/6/2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 14 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 18 thông tư.

Tôi muốn nhắc đến để thấy việc thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN có sự đóng góp rất lớn của công tác thông tin tuyên truyền của báo chí nói chung và báo chí ngành nói riêng.

Báo chí ngành Tài chính đã cho bạn đọc thấy được cái nhìn toàn cảnh, đa chiều, cả những vấn đề được dư luận quan tâm về ngành Tài chính; qua đó tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội về những nỗ lực và thành quả ngành Tài chính mang lại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với TBTCVN, trong dòng chảy chung của báo chí cách mạng, TBTCVN đã tạo nên bản sắc của mình. Những thông tin về tài chính - NSNN là mảng thông tin chủ đạo trên TBTCVN, tạo nên nét riêng có của tờ báo; đồng thời các thông tin “ngoài ngành” cũng khá phong phú, có cách thể hiện riêng. Dòng thông tin của TBTCVN đã chuyển biến theo xu hướng thiết thực, ngày càng gần gũi với bạn đọc.

Đặc biệt thời gian gần đây, TBTCVN đã có những cải tiến cả về nội dung và hình thức, có nhiều tuyến bài, loạt bài chất lượng. Nhiều tin, bài thời sự của ngành đã được thực hiện kịp thời bằng các bản tin video ngay sau khi sự kiện diễn ra cho thấy năng lực sản xuất của TBTCVN ngày càng đáp ứng yêu cầu đặt ra.

TBTCVN: Chính sách về tài chính – ngân sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội nên luôn nằm trong “top” thông tin được tìm kiếm nhiều nhất. Theo Thứ trưởng, liệu có phải cùng với sự nỗ lực của các cơ quan báo chí ngành Tài chính, thì vai trò, sự vào cuộc của các đơn vị chức năng của ngành trong công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng?

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn: Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, như tôi đã đề cập, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng công tác thông tin tuyên truyền của ngành Tài chính đã có những bước đột phá, thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, đảm bảo thông tin thông suốt, đạt hiệu quả cao.

Trong đó, Bộ Tài chính đã chú trọng tuyên truyền về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; các giải pháp hỗ trợ thị trường trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; sử dụng NSNN để chi hỗ trợ cho người lao động…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh thông tin - tuyên truyền về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành: lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, nợ công, thu - chi NSNN, đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; công tác quản lý giá, quản lý tài sải công...; các hoạt động nổi bật của ngành Tài chính, hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính.

Những thông tin về tài chính – ngân sách luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, toàn bộ hệ thống báo chí trong ngành Tài chính đã xuất bản được khoảng 30.000 tin, bài, tập trung vào các lĩnh vực nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN của ngành Tài chính. Từ đây, thông tin đã được lan tỏa, góp phần giúp dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội, cử tri hiểu và đồng thuận về cơ chế, chính sách, hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

trao giai bao chi
Lĩnh vực tài chính luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của báo chí và báo chí cũng góp phần quan trọng cho việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành Tài chính. Trong ảnh: Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho các cơ quan báo chí tham dự giải tại lễ trao giải cuộc thi báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Cùng với đó, việc đa dạng các hình thức và linh hoạt trong thực hiện công tác thông tin tuyên truyền cũng là mặt nổi bật trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Thực hiện việc giãn cách xã hội theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, công tác thông tin - tuyên truyền của Bộ Tài chính đã theo hướng giảm số lượng các cuộc họp báo chuyên đề, thay vào đó triển khai bằng nhiều hình thức như: cung cấp thông tin, thông cáo báo chí, gửi bài viết, trả lời phỏng vấn, video... để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.

Có thể nói, sự chủ động của các đơn vị thuộc bộ trong việc cung cấp thông tin cho báo chí đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Bộ Tài chính trong thời gian qua. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, các đơn vị cần phải tích cực hơn, phối hợp với báo chí trong và ngoài ngành thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền; tuyên truyền tốt các cơ chế, chính sách sẽ góp phần quan trọng để chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả nhất.

Chúng ta đều biết rằng, vai trò của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những vấn đề của đời sống, mà còn ở việc định hướng thông tin tới công chúng. Nếu không nhanh nhạy, kịp thời, sẽ mất lợi thế trong truyền thông, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội đang bùng nổ.

Trong đó, tôi đặc biệt lưu ý các cơ quan báo chí ngành Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, cần đổi mới về tư duy trong công tác truyền thông; chủ động trong tiếp nhận, xử lý thông tin trong xây dựng cơ chế chính sách, cũng như trong điều hành, quản lý, nhất là những lĩnh vực có liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Nếu làm tốt được điều này, có nghĩa đã làm tốt công tác tuyên truyền mà lãnh đạo Bộ Tài chính kỳ vọng.

TBTCVN: Cảm ơn Thứ trưởng đã có những chia sẻ với báo chí nhân ngày 21/6. Thưa Thứ trưởng, báo chí ngành Tài chính nói chung và TBTCVN nói riêng cần phải làm gì để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay?

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn: Năm nay, Báo chí Cách mạng Việt Nam tròn 96 tuổi. Báo chí đã song hành cùng lịch sử dân tộc gần một thế kỷ. Đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các công nghệ mới, nhiều loại hình báo chí mới ra đời. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các cơ quan báo chí nói chung và báo chí ngành Tài chính nói riêng.

Cùng với các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về tăng cường vai trò của công tác báo chí – tuyên truyền, mới đây, ngày 12/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông. Trong đó, chỉ thị yêu cầu các cơ quan báo chí chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính…

5 tháng qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19. Thu NSNN 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020. Thực hiện chi tháng 5/2021 đạt 125,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 5 tháng đạt 34,5% dự toán. Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 5 tháng có thặng dư.

Với thực tế hiện nay, dự báo 6 tháng, thu NSNN ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi NSNN ước thực hiện 6 tháng đạt 43% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 34,1%. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ thành lập quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, nhằm huy động tối đa các nguồn lực mua vắc-xin tiêm phòng cho toàn dân. Đến nay, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng. Tính đến 11h ngày 16/6/2021, có 308.811 tổ chức, cá nhân đã đóng góp số tiền là 5.536 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi…

Đạt được những kết quả nổi bật nêu trên là nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính; sự đồng lòng vào cuộc của toàn ngành Tài chính và có đóng góp của công tác truyền thông.

Báo chí ngành Tài chính nói chung và TBTCVN nói riêng thời gian qua đã không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức để bắt nhịp với báo chí hiện đại. Tôi cho rằng, TBTCVN đã giữ được bản sắc trong làng báo Việt Nam bởi sự chính thống, kịp thời, toàn diện, là nơi “giữ nhịp” thông tin về lĩnh vực tài chính. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng TBTCVN vẫn không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng nội dung và hình thức các sản phẩm truyền thông của tòa soạn, thực hiện tốt nhiệm vụ được Bộ Tài chính giao. Báo in đã được nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trình bày. Nội dung vừa bám sát, chuyên sâu các lĩnh vực của ngành, vừa mở rộng, nâng cao gắn với hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, góp phần nâng cao thương hiệu của TBTCVN. TBTVCN đã tổ chức các hoạt động ngoài mặt báo, thể hiện cách làm năng động, hiệu quả, góp phần tích cực tăng cường thương hiệu của TBTCVN.

Tôi vui mừng khi thấy TBTCVN rất chủ động, sáng tạo triển khai nhiều kế hoạch, đề án đổi mới, phát triển tờ báo. Tiêu biêu như đề án nâng cấp, phát triển báo điện tử và tòa soạn hội tụ; đổi mới nội dung và hình thức báo in; xuất bản mới các ấn phẩm đặc san đối ngoại tiếng Việt và tiếng Anh; quản lý, vận hành và phát triển Trang điện tử về tài sản công; triển khai các hoạt động kinh tế báo chí như tổ chức sự kiện, diễn đàn, hội thảo; triển khai đề án xét tuyển viên chức; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, phóng viên, biên tập viên; nâng cao kỷ luật, kỷ cương chất lượng xuất bản. Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của TBTCVN.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tôi tin tưởng rằng, với truyền thống của mình, các cơ quan báo chí, xuất bản ngành Tài chính sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tích chung của ngành Tài chính trong năm 2021.

Nhân Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi gửi tới những người làm báo Việt Nam nói chung và báo chí ngành Tài chính nói riêng lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc các đồng chí, những người làm báo ngành Tài chính luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và nêu cao đạo đức làm nghề. Muốn vậy, tâm thế và trình độ của nhà báo phải được nâng lên để luôn đồng hành cùng Bộ Tài chính phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

TBTCVN

TBTCVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam