Quỹ Vắc-xin thể hiện sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp vào Chính phủ

10:26 | 11/06/2021 Print
(TBTCVN) -Các doanh nghiệp (DN) FDI tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực tiếp cận vắc-xin của Chính phủ cũng như việc thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19. Đồng thời, các DN này kêu gọi Chính phủ đi xa hơn và nhanh hơn, khai thác sức mạnh của khối DN tư nhân trong thực hiện mục tiêu này.

Đại diện Vinamilk trao 10 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19

Đại diện Vinamilk trao 10 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho đại diện Bộ Y tế.

Sáng kiến rất hợp lý và xác đáng

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc điều hành Phòng thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM) cho rằng, mục tiêu bao phủ cũng như cách thức tiếp cận vắc-xin của Chính phủ hiện nay là rất đáng ghi nhận. Vắc-xin cho toàn dân đòi hỏi khoản tài chính lớn và để có thể huy động được nguồn tài chính này trong ngắn hạn đúng là rất khó, đặc biệt là khi Chính phủ Việt Nam đang còn rất nhiều những khoản chi tiêu khác để có thể giúp phục hồi nền kinh tế. Vì vậy, việc lập Quỹ Vắc-xin để kêu gọi nguồn hỗ trợ khác từ người dân và doanh nghiệp (DN) là một sáng kiến rất hợp lý và xác đáng.

Theo ông Hải, có thể thấy rằng, cộng đồng DN Việt cũng như DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam và người dân rất nhiệt tình ủng hộ vào quỹ này. Đây là điểm tích cực mà không phải ở quốc gia nào Chính phủ hay người dân cũng sẵn sàng làm. “Tại nhiều quốc gia, cả người dân và DN vẫn mặc nhiên mặc định rằng chống dịch là việc của chính phủ, chính phủ phải tự lo và người dân được quyền hưởng. Với Việt Nam thì lại khác, rõ ràng có một sự cởi mở và sự tin tưởng giữa người dân, DN với Chính phủ trong việc cùng nhau phòng chống dịch. Tôi cho rằng, những phương thức mà Chính phủ đang dùng để kêu gọi các bên tham gia vào nỗ lực chung này là rất trực tiếp và hiệu quả” - ông Hải nhận định.

Phân tích rõ hơn nhận định này, ông Hải cho biết, có thể trong việc kêu gọi sự hỗ trợ của người dân và DN cho một quỹ khác thì câu chuyện sẽ khác, nhưng trong trường hợp cụ thể này là về vắc-xin Covid-19, bản thân cả người dân, DN cũng như Chính phủ đều biết rất rõ, vắc-xin là nhu cầu thiết yếu và cấp bách để đầy lùi dịch bệnh. Qua thông tin cập nhật về Quỹ Vắc-xin, có thể nhận thấy rằng, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi quỹ được ra mắt, đã có hàng nghìn tỷ đồng từ cá nhân, DN được chuyển đến. Rõ ràng, có một sự tin tưởng rất lớn từ phía người dân, DN đối với Chính phủ. Họ tin tưởng như vậy bởi cách phòng chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả. Tiếp đó là tin vào sự minh bạch của Chính phủ nên họ mới làm chứ không ai có thể ép DN, nhất là người dân chuyển tiền.

Khai thác sức mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân

Trước bối cảnh Việt Nam đang bùng phát làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, mới đây, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã lấy ý kiến các DN thành viên về cách thức mà khu vực tư nhân có thể hỗ trợ chương trình tiêm chủng của Chính phủ. Theo đó, EuroCham ủng hộ mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là tiêm chủng cho 75% dân số. Đây là hành động cần thiết nhằm khai thông thương mại và đầu tư quốc tế, yếu tố vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, EuroCham kêu gọi Chính phủ đi xa hơn và nhanh hơn, khai thác sức mạnh của khối DN tư nhân trong thực hiện mục tiêu này. Theo khảo sát của Eurocham, có 79% DN được hỏi đồng ý rằng các DN nên tham gia hỗ trợ để nhân viên của họ được tiêm chủng. Điều này sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời, giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng của Chính phủ.

Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham cho biết: “Khu vực tư nhân - bao gồm cả DN FDI - có thể giúp đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng của Việt Nam. Các DN của chúng tôi có thể cung cấp các thiết bị hàng đầu trên thế giới và cả chuyên môn quốc tế cần thiết nhằm phục vụ cho chương trình tiêm chủng hàng loạt thành công. Do đó, lộ trình phục hồi của Việt Nam nên khai thác sự đóng góp của các DN châu Âu. Nhưng kế hoạch cần phải được thực hiện ngay bây giờ để chúng ta có thể bắt đầu hành động ngay khi có vắc-xin”.

Cho ý kiến về những gì DN có thể hỗ trợ, ông Phạm Hoàng Hải cho biết, cộng đồng DN Ý tại Việt Nam rất quan tâm đến việc bao phủ vắc-xin cho toàn bộ người lao động của mình nên hoàn toàn ủng hộ chủ trương vắc-xin cũng như nỗ lực tiếp cận vắc-xin của Chính phủ hiện nay. Khi được hỏi thì 100% các doanh nghiệp của Ý tại Việt Nam sẵn sàng và tự nguyện khi có cơ hội được tiêm vắc-xin (toàn bộ tuyến đầu chống dịch đã được tiêm đủ) thì sẽ tiêm theo dạng trả phí cho toàn bộ nhân viên của mình, bao gồm cả người Ý và người Việt để DN có thể trở lại hoạt động được bình thường. “100% DN Ý tại Việt Nam không yêu cầu được tiêm miễn phí vắc-xin Covid-19, chúng tôi sẵn sàng trả phí, vắc-xin miễn phí xin dành cho những người tuyến đầu trong chống dịch, những người yếu thế, không có điều kiện về tài chính ở Việt Nam” - ông Hải cho biết.

Đồng quan điểm này, theo kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), các thành viên của AmCham đánh giá cao nỗ lực ứng phó với đại dịch của Chính phủ. Đồng thời, hiệp hội này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhiều người được tiêm vắc-xin hơn nữa. Có tới 88% lượng người phản hồi nói rằng công ty của họ sẽ sẵn sàng trả phí khi có vắc-xin.

Việt Nam đã đưa ra tiêu chuẩn toàn cầu về phòng chống Covid-19


“Việt Nam đã đưa ra tiêu chuẩn toàn cầu về phòng chống Covid-19. Thách thức hiện nay là kết hợp những thành công đã có với một chương trình tiêm chủng đại trà đầy tham vọng và được đẩy nhanh. Nếu có thể đạt được điều này, chắc chắn Việt Nam sẽ phục hồi và phát triển sau đại dịch. Đồng thời, điều này cũng sẽ giúp đáp ứng mục tiêu kép của Chính phủ là bảo vệ sức khỏe cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham nhận định.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam